Vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%
Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) đã có văn bản gửi Bộ GTVT về việc xem xét miễn, giảm các loại thế, phí cho lĩnh vực vận tải đường bộ. Chủ tịch VATA Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong thời gian dịch bệnh, vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%, số còn lại hoạt động không hiệu quả, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, các chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch lại tăng khiến các DN ngày càng khó khăn.
VATA đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT nhiều nội dung như: Hỗ trợ giảm thuế, giãn thuế; Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Giảm lãi suất, giãn nợ ngân hàng. Đáng chú ý, VATA kiến nghị Bộ GTVT cho miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ô tô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng… Đồng thời kiến nghị các tỉnh, TP giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải, áp dụng đến 31/12/2021.
Sau khi nhận được các kiến nghị trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với DN vận tải. Bộ GTVT sẽ đề xuất Bộ Tài chính miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho DN vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian 3 tháng.
Hỗ trợ doanh nghiệp “vươn mình” sau dịch
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – giảng viên cao cấp Đại học GTVT nhận định, chính sách miễn, giảm phí bảo trì đường bộ cho các phương tiện vận tải là hợp tình, hợp lý. “Quỹ bảo trì đường bộ được thu của các phương tiện và dùng để tái tạo, duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Trong thời gian buộc phải tạm dừng do dịch bệnh, các phương tiện vận tải không được hoạt động, do đó ít làm hư hỏng kết cấu của đường, việc miễn giảm phí là có cơ sở” - chuyên gia giao thông này phân tích.
Việc miễn giảm phí đối với các DN vận tải vừa là sự sẻ chia, vừa tạo động lực để các DN này vươn mình ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, cần rà soát, kê khai một cách minh bạch, khẩn trương, kịp thời hỗ trợ các DN vận tải sớm trở lại sản xuất, kinh doanh. “Mức miễn giảm phí bảo trì đường bộ trong vòng 3 tháng theo tôi là vừa đủ, góp phần giúp các DN vận tải bớt gánh lo trong giai đoạn này” - ông Từ Sỹ Sùa nói.
Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải công nghệ Hà Nội Nguyễn Xuân Tuấn cho biết, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, 20.000 đối tác lái xe của đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn do phải dừng hoạt động. “Việc hỗ trợ cho tài xế lúc này dù nhỏ thì cũng rất là tốt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này cũng chỉ mang tính ngắn hạn. Về lâu dài, cần hỗ trợ DN, tài xế về cơ chế, giảm bớt các thủ tục hành chính và chính sách về bảo hiểm” - ông Tuấn chia sẻ.
Để việc miễn, giảm phí bảo trì đường bộ được thực hiện nghiêm túc, khách quan, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lưu ý: Đối tượng giảm phí phải là các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện được các Sở GTVT cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với VATA căn cứ vào các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, khẩn trương làm việc với các địa phương, DN kinh doanh vận tải để tổng hợp số liệu về thiệt hại trong thời gian dịch bệnh, từ đó có phương án miễn, giảm phí sử dụng đường bộ chính thức.