Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miền Trung lại oằn mình chống lũ

Thiên Tú – Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến ngày hôm qua (1/11), các tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục có mưa trên diện rộng, nước lũ lên nhanh gây ngập úng hàng ngàn nhà dân.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, người dân nhiều tỉnh miền Trung một lần nữa lại phải gồng mình chống lũ.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh: Bích Liên

Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị đã có mưa to đến rất to trên diện rộng. Tổng lượng mưa 3 ngày phổ biến từ 300 - 350mm, đặc biệt tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tổng lượng mưa đạt 474mm. Đến chiều 1/11, mực nước sông Hiếu đoạn qua huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ở mức báo động 3. Nước ở thượng nguồn bất ngờ đổ về khiến người dân không kịp sơ tán đồ đạc, nhiều tài sản bị cuốn trôi hoặc chìm trong biển nước từ 1 – 3m. Theo thống kê của UBND huyện Cam Lộ, toàn huyện có hơn 2.000 hộ dân bị ngập sâu trong nuớc. Do đó, UBND huyện đã huy động các lực lượng chức năng giúp người dân sơ tán đến nơi an toàn.
Tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, vốn là “rốn lũ” trong đợt trước nay lại tiếp tục chìm trong lũ dữ. Đến ngày hôm qua, toàn huyện đã có 14 xã với khoảng trên 1.200 hộ bị ngập, trong đó, hàng trăm hộ bị ngập từ 1 - 1,5m. Đội mưa trong dòng nước lũ mênh mông, nhiều người dân Hương Khê hối hả sơ tán đồ đạc, tài sản, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn. Nhiều tuyến đường bị chia cắt nên người dân chỉ có thể đi lại bằng thuyền hoặc bè gỗ. Tại huyện Kỳ Anh, một số tuyến tỉnh lộ, đường liên xã cũng bị tê liệt, nước lớn tràn vào nhà dân khiến cho người dân phải gấp rút sơ tán. Điều đáng nói, một số hồ chứa thủy điện và thủy lợi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh như Hố Hô và Kẻ Gỗ… đã xả tràn với lưu lượng lớn khiến cho tình hình lũ lụt càng thêm nghiêm trọng. Cũng trong ngày hôm qua, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn. Ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh cũng đã quyết định cho hơn 30.000 học sinh nghỉ học.
Lũ chồng lũ cũng đang là tình cảnh mà nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình phải hứng chịu. Chỉ tính riêng huyện Tuyên Hóa, đến chiều 1/11 đã có trên 6.000 nhà dân bị ngập, cùng nhiều hệ thống giao thông, trạm xá, chợ, trường học, trụ sở làm việc của các xã... Mực nước sông Gianh lên trên mức báo động 3 khiến cho một số nơi bị chia cắt cục bộ, trong đó có khoảng 300 hộ dân bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Tại các địa phương khác như huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn… nước lũ cũng đổ về ngập trắng khiến cho nhiều hộ dân không kịp trở tay. Hàng ngàn mái nhà vẫn còn ngổn ngang rác, bùn đất. Nhiều vật dụng sinh hoạt của các hộ dân chưa kịp được sắp xếp, sửa sang nay lại thêm một lần nữa chìm trong biển nước.
Trước diễn biến của mưa lũ, chiều 1/11, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai T.Ư đã có công điện yêu cầu các tỉnh miền Trung, các bộ, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình, thông tin kịp thời đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh. Trong đó rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt sâu, sẵn sàng sơ tán người dân, kiểm tra hồ chứa, thực hiện xả lũ theo đúng quy trình. Đồng thời bố trí lực lượng ứng trực tại nơi xung yếu, đảm bảo an toàn giao thông, thông tin liên lạc, điện lưới, đặc biệt có phương án đảm bảo nhu yếu phẩm không để bà con bị đói, khát, rét… 
Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đến chiều tối 1/11, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã làm 2 người chết, 1 người bị mất tích và 3 người bị thương. Nước lũ đã làm ngập gần 17.000 ngôi nhà của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Các địa phương đã huy động hơn 1.000 chiến sĩ bộ đội và dân quân tham gia hỗ trợ người dân ứng phó với lũ lụt. Kết quả đến chiều tối qua, đã di dời được 485 hộ dân và 230 học sinh ra khỏi khu vực ngập úng đến nơi an toàn.