Theo cảm nhận của các DN tham gia khảo sát, chất lượng điều hành kinh tế địa phương năm qua thực sự sụt giảm. Điểm số của các tỉnh trung vị ở mức thấp nhất từ trước đến nay, và lần đầu tiên sau 8 năm tiến hành điều tra không có địa phương nào lọt vào nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc.
Niềm tin kinh doanh sụt giảm
Năm thứ 3 liên tiếp, điều tra PCI có sự góp mặt của các DN FDI. Năm 2012, tổng số DN FDI tham gia khảo sát là 1.540; trong đó, 87% là DN có 100% vốn đầu tư nước ngoài, 75% DN đến từ châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore), 20% đến từ Mỹ, châu Âu và Úc.
Phân xưởng lắp ráp hàng điện tử công nghệ cao của Công ty Canon Việt Nam.Ảnh: Hải Linh
Kết quả điều tra PCI 2012 chỉ ra, niềm tin của các DN FDI đang ngày càng sụt giảm. Chỉ 32,7% DN có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh (so với 45,5% của PCI 2011); tỷ lệ DN báo cáo lỗ lên tới 28% (so với mức 20,5% của năm 2011)…
PCI đánh giá 9 lĩnh vực điều hành ở cấp tỉnh gồm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động; Dịch vụ hỗ trợ DN; Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý |
Một điểm đáng chú ý khác của điều tra PCI 2012 là có tới 87% DN FDI tỏ ra quan ngại, cũng như chưa hài lòng với nỗ lực cải cách thủ tục hành chính tại các địa phương. Điều này có liên quan mật thiết tới "chi phí thời gian" và mức chi trả "không chính thức" để giải quyết các loại thủ tục, giấy tờ (Số liệu điều tra PCI 2012 cho thấy, khoảng 20% số DN FDI vẫn phải chi những khoản này để… được việc).
Đặc biệt, không kém phần bất ngờ khi Hà Nội tụt tới 15 bậc trong bảng xếp hạng PCI (từ thứ 36 năm 2011 xuống 51 trong năm 2012). Trong số 9 chỉ số thành phần, chỉ có chỉ số "gia nhập thị trường" Hà Nội đạt 8,93 điểm, còn lại tới 5 chỉ số đạt dưới 5 điểm, trong đó thấp nhất là "tính năng động" chỉ đạt 2,32 điểm, "thiết chế pháp lý" 2,7 điểm, giảm nhiều so với năm trước… Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khi trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị thẳng thắn: Để đánh giá nguyên nhân sự tụt hạng này, phải có nghiên cứu kỹ lưỡng. Song, theo đánh giá ban đầu, tôi cho rằng Hà Nội là trung tâm kinh tế gắn liền với hoạt động của đông đảo DN lớn. Năm 2012 nền kinh tế đất nước và Thủ đô trải qua một giai đoạn khó khăn khủng hoảng chưa từng thấy, nên cảm nhận của DN về chính quyền cũng có phần tiêu cực đi. Bên cạnh đó, trong công cuộc cải cách hành chính, Hà Nội là địa phương tiên phong nên đã đi được quãng đường dài, do đó những bước tiếp theo của công cuộc này ngày càng khó khăn hơn, nên bước đi có phần chậm lại cũng là điều dễ hiểu.
Nâng cao tính minh bạch
Đánh giá về những nguyên nhân khiến niềm tin kinh doanh của các DN FDI sụt giảm, ông Joakim Parker, Giám đốc USAid tại Việt Nam cho rằng, tâm lý này có liên quan trực tiếp tới rủi ro về mặt kinh tế. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và ổn định kinh tế vĩ mô.
Để thu hút các doanh nghiêp FDI, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và ổn định kinh tế vĩ mô.Trong ảnh: Lắp ráp đồ điện tử chất lượng cao tại Công ty Samsung Việt Nam.Ảnh: Hải Linh
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho biết, dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho các DN vẫn rất hạn chế. Bên cạnh đó, điều tra PCI 2012 cho thấy, tệ tham nhũng tuy có giảm ở quy mô nhỏ nhưng lại gia tăng ở nhóm mua sắm công, hoặc liên quan tới các dự án có vốn đầu tư lớn. Điều này khiến nhiều DN cảm thấy lo ngại cho dòng tiền đầu tư của chính mình. Để giải quyết vấn đề này, việc nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các cấp là vô cùng quan trọng.
Ở khía cạnh liên quan, TS Edmund Malesky, Giáo sư Đại học Duke (Hoa Kỳ), Trưởng nhóm nghiên cứu điều tra PCI cho rằng, chính quyền các cấp nói riêng và Chính phủ Việt Nam nói chung cần đảm bảo khuôn khổ pháp lý để "không có đất" cho tham nhũng. Ông đã dẫn chứng cách làm rất hay của tỉnh Ninh Thuận trong việc minh bạch hóa các thủ tục hành chính. Theo đó, tất cả các loại thủ tục đều được niêm yết công khai trên trang thông tin xúc tiến thương mại tỉnh, đồng thời nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu thông tin, giải quyết các thủ tục chỉ cần tới một địa điểm duy nhất (là Văn phòng Xúc tiến thương mại), thay vì phải chạy đôn đáo khắp nơi.
Ông Edmund Malesky nhấn mạnh, chỉ khi nhà đầu tư cảm thấy những đồng tiền rót vào thị trường Việt Nam không lãng phí hoặc bị "chảy đi nơi khác" thì niềm tin kinh doanh mới hy vọng được phục hồi.
"Với số lượng phiếu khảo sát chỉ có 10.000 DN trong tổng số khoảng 500.000 DN (trong đó chỉ có khoảng từ 30 - 50% DN hồi đáp) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tính xác thực của chỉ số PCI. Số lượng DN được khảo sát không có sự phân biệt giữa các tỉnh, TP đã khiến những TP lớn như Hà Nội chịu thiệt thòi rất nhiều. Bên cạnh đó, với chủ trương không khuyến khích DN sử dụng nhiều đất nhưng hiệu quả mang lại không cao khiến Hà Nội bị mất điểm trong chỉ tiêu về đất đai (một tiêu chí khá quan trọng… Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố khách quan trên cũng phải thấy rằng, để cải thiện chỉ số PCI, Hà Nội cần tập trung tăng tính năng động, sáng tạo trong việc cải tiến, áp dụng các quy trình cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN hơn." - TS Nguyễn Minh Phong
|