Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ vừa được tổ chức ngày 3/6.
Đẩy mạnh cổ phần hóa, minh bạch hoạt động ngân hàng
Một trong những vấn đề được nhiều DN nước ngoài quan tâm là việc thực hiện Thông tư 02/TT - NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu năm 2013. Tuy nhiên, quy định về phân loại tài sản, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã lùi thời hạn thực hiện đến 1/6/2014 khiến nhiều DN nước ngoài băn khoăn về tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Trước việc dừng thực hiện Thông tư 02, ông Alain Cany, đồng Chủ tịch VBF cho rằng: Quan điểm của VBF là khuyến khích các ngân hàng không chờ đợi mà tiến hành tuân thủ một cách tự nguyện Thông tư 02 vì đó là cách tốt để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, trước tình hình nợ xấu hiện nay, việc các ngân hàng tự nguyện thực hiện Thông tư 02 sẽ có lợi cho chính bản thân ngân hàng bởi có công khai, minh bạch thì lòng tin của DN, người dân với ngân hàng sẽ được cải thiện. Điều đó sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiệp nước ngoài mong muốn môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện. Trong ảnh: Lắp ráp xe máy Piaggio LX tại Việt Nam. Ảnh: Hoài Nam
Một vấn đề khác được các DN nước ngoài quan tâm tại diễn đàn lần này là việc đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước. Nguyên nhân là do hiện khối DN Nhà nước đang được hưởng nhiều ưu đãi thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai... song hoạt động không hiệu quả, dẫn đến kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế. Ông Mark Gillin, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng: Hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng, năng lượng cho nền kinh tế của Việt Nam là rất lớn, việc cổ phần hóa và thoái vốn ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ sẽ giúp Việt Nam có vốn thực hiện kế hoạch này. Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DN Nhà nước sẽ tạo môi trường cạnh tranh theo cơ chế thị trường một cách tích cực hơn.
Trong khi đó, ông Kim Jung In, Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh việc tái cơ cấu, cổ phần hóa DN Nhà nước với những biện pháp quyết liệt. Hiện DN nước ngoài đã được phép mua cổ phần của DN Nhà nước, nên quá trình này cần phải rõ ràng, minh bạch để thúc đẩy các giao dịch mua bán, sáp nhập…
Môi trường kinh doanh cần cải thiện
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch EuroCham: Chú trọng quyền sở hữu trí tuệ Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang mong muốn chuyển dịch nền kinh tế có giá nhân công thấp sang các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ không muốn chuyển giao công nghệ đến Việt Nam, trừ khi các quyền sở hữu trí tuệ được đảm bảo. |
Kết quả điều tra về Chỉ số môi trường kinh doanh thực hiện trong tháng 3/2013 của EuroCham cho thấy, mức độ tin cậy và triển vọng kinh doanh trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đang dần cải thiện với chỉ số tăng từ 45 điểm lên 48 điểm (nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình là 50 điểm). Tuy nhiên, ông Brian O'Reilly, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam cho rằng: Các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Myanmar đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nếu Việt Nam không tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể tiếp tục giảm.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: Chính phủ đang đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, từ đó tạo tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong những năm tiếp theo. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành theo hướng giảm lãi suất cho vay đi đôi với giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa; tiếp tục thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính tại các DN Nhà nước và tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành của Việt Nam xem xét tiếp thu các khuyến nghị hợp lý, chính đáng của các DN, từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông Dominic Scriven, Đại diện nhóm công tác Thị trường vốn thuộc VBF: Tái cơ cấu ngân hàng có lộ trình Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần tiến hành tái cơ cấu ngân hàng theo lộ trình, để tránh việc các ngân hàng thương mại trong nước rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán; nên cho phép phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho DN nước ngoài. Việc phát hành cổ phiếu này sẽ giúp DN nội địa có thêm nguồn vốn kinh doanh trong khi DN nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính trong các công ty nội địa song vẫn bảo đảm các DN này không tham gia vào việc biểu quyết các vấn đề của công ty. |