Minh bạch thông tin để phòng, chống tham nhũng

Hồng Thái – Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Liên quan việc minh bạch thông tin ở các tổ chức, điển hình là câu chuyện ở một số địa phương, khi công khai điểm thi đại học, các chuyên gia mới phát hiện được vấn đề gian lận trong thi cử”.

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển cho biết tại hội thảo công bố khảo sát “Phong vũ biểu Tham nhũng ở Việt Nam 2019” diễn ra ngày 7/1.

 Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phí Ngọc Tuyển: “Nếu người dân không hợp tác, việc phòng, chống tham nhũng sẽ không có hiệu quả”

Theo ông Phí Ngọc Tuyển, trước đây, khi bắt đầu khởi xướng công cuộc phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước đánh giá tham nhũng là 1 trong 4 nguy cơ đe dọa sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát thì việc tham nhũng chỉ được người dân đánh giá là nguy cơ ở mức thứ 7 và đến bây giờ, nguy cơ này đã được nâng lên, người dân đánh giá nguy cơ tham nhũng ảnh hưởng đến cuộc sống của họ cao hơn.

“Với nhận thức đó, người dân đã tích cực tham gia vào công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng và Nhà nước khởi xướng. Tuy nhiên, việc phòng, chống tham nhũng phải có sự phối hợp giữa các bên, nếu người dân không hợp tác, việc phòng, chống tham nhũng sẽ không có hiệu quả” – ông Tuyển nhận định.

Cũng theo ông Phí Ngọc Tuyển, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực, lấy được niềm tin của người dân; từng bước giảm thiểu, kiểm soát được tham nhũng.

“Trong các giải pháp đề ra tập trung thực hiện về phòng, chống tham nhũng, thì chúng tôi muốn lôi kéo người dân, cho người dân biết được tham nhũng đang đe dọa họ. Cùng đó, tăng cường chương trình truyền thông để người dân hiểu được tham nhũng như thế nào, để người dân tham gia vào quá trình đấu tranh với phòng, chống tham nhũng. Chúng tôi sẽ cải thiện hơn các biện pháp để hỗ trợ người dân tố cáo tham nhũng. Qua các vụ án gần đây, đã đưa ra các con số cụ thể, thiệt hại rất lớn do các vụ tham nhũng, trong khi thu hồi rất nhỏ” – ông Tuyển chia sẻ.

 Các chuyên gia tham gia hội thảo

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Thành viên Ủy ban Chính sách phát triển của Liên Hợp quốc khẳng định, mấu chốt là vấn đề công khai minh bạch. Nói đến nhóm lợi ích, vận động hành lang, các doanh nghiệp muốn thắng thầu, nhận được các dự án, thì vẫn phải có gì đó. Chừng nào không công khai minh bạch thì vẫn có tỷ lệ tham nhũng nhất định.

“Như trong vụ án AVG, 2 bộ trưởng thản nhiên nhận tiền hối lộ, và thản nhiên cho đó là điều đương nhiên, nghĩ rằng người khác “mừng” cho mình. Vậy, người khác đưa tiền này có được lợi ích gì không? Đây là sự ngây thơ đáng ngạc nhiên ở những người từng có chức vụ cao” - TS Lê Đăng Doanh chia sẻ.

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, so sánh với đánh giá quốc tế, việc tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng, ở vị trí thấp. Do đó, Việt Nam phải cố gắng vượt lên, để thoát khỏi vị trí này, nếu không sẽ ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động đầu tư, các hoạt động khác trong đời sống Nhân dân. Ngoài ra, phải công khai thông tin về ngân sách, người dân có thể biết được mức chi tiêu, chi đầu tư, chi thường xuyên thế nào.