Để bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP, Trung tâm Phát triển chăn nuôi đã xây dựng giải pháp, lộ trình nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trong đó ứng dụng mã QR.
Cụ thể, Trung tâm sẽ thiết lập hệ thống ghi chép dữ liệu đầu vào gồm giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y...; lập hệ thống ghi chép dữ liệu cơ sở giết mổ, kiểm soát giết mổ; lập hệ thống ghi chép dữ liệu cơ sở sơ chế đóng gói, tiêu thụ sản phẩm... Các dữ liệu trên được cập nhật thông qua hệ thống phần mềm quản lý, thông tin được mã hóa dưới dạng mã QR.Theo kế hoạch, giai đoạn 1 năm 2018, Trung tâm sẽ tổ chức kháo sát đánh giá, phân lập cơ sở chăn nuôi để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng nhóm (chuỗi) liên kết chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm; xây dựng khung pháp chế về truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Giai đoạn 2, từ năm 2019 - 2021, thiết lập hệ thống phần mềm xác thực và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại 3 tác nhân chính gồm: Cơ sở chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền phổ biến về an toàn thực phẩm tới các tác nhân tham gia chuỗi và người tiêu dùng; hỗ trợ cơ sở giết mổ, sơ chế đóng gói sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.Dự kiến, kinh phí thực hiện trong 4 năm nhằm duy trì phát triển bộ mã QR thực hiện minh bạch thông tin điện tử cho các sản phẩm chăn nuôi là 10 tỷ đồng.