Với cách làm này, các chủ đầu tư có thể lựa chọn đúng nhà thầu có năng lực phù hợp, tránh tình trạng "thông thầu" hay “dánh bóng” hồ sơ đang diễn ra khá phổ biến.
Vấn đề mà cả giới chuyên gia và các doanh nghiệp (DN) đặc biệt quan tâm là làm thế nào để đánh giá năng lực nhà thầu một cách minh bạch.
Việc đánh giá xếp hạng năng lực cạnh tranh nhà thầu sẽ khiến các nhà thầu có năng lực yếu bị loại bỏ. Ảnh: Minh Việt
Điều kiện hành nghề quá "dễ dãi"
Những năm trước, việc đăng ký hành nghề theo Luật Doanh nghiệp khá dễ dãi, nên nhiều DN không đủ điều kiện năng lực nhân sự, tài chính, thiết bị... vẫn được hoạt động. Tại TP. HCM, có tới trên 20.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhưng Sở Xây dựng không thể quản lý được vì không được tham gia vào khâu quyết định cho phép thành lập.
Chất lượng nhà thầu hạn chế ở mọi mặt, từ cán bộ quản lý, thiết bị thi công, trình độ tay nghề công nhân đến năng lực tài chính dẫn đến nhiều dự án bị đình trệ, sai phạm, sự cố. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu còn có nhiều bất cập liên quan đến nguồn vốn, phương thức lựa chọn nên nhiều dự án, đặc biệt là dự án có nguồn vốn Nhà nước đã "chọn nhầm" các nhà thầu năng lực kém. Thế nhưng, số lượng nhà thầu bị phạt do chậm tiến độ hiện không nhiều. Gần đây, mới chỉ có một số chủ đầu tư ở Đà Nẵng, TP. HCM tiến hành xử phạt các nhà thầu chậm tiến độ bằng hình thức chấm dứt hợp đồng, phạt tiền, góp phần đảm bảo tiến độ dự án...
Đánh giá năng lực theo tiêu chí nào?
Nhóm nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của DN hoạt động xây dựng thuộc Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa đề xuất lựa chọn theo nhóm với các tiêu chí áp dụng cho từng khối DN, ngành nghề hoạt động như: Doanh thu hàng năm, chỉ tiêu đánh giá cạnh tranh... Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu cho rằng, nên sắp xếp nhà thầu theo nhóm A, B, C. Các nhà thầu nhóm A có thể tham gia dự thầu tất cả các gói thầu với các quy mô nhỏ, còn các nhà thầu nhóm B, C chỉ được tham gia những gói thầu có quy mô tương ứng. Như vậy, ngay từ bước nhận thông báo mời thầu, các nhà thầu đã có thể biết mình có đủ năng lực tham gia gói thầu đó không. TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại đề xuất đánh giá năng lực thông qua phân biệt loại hình nhà thầu, gồm: Thầu chính, thầu phụ hay tổng thầu.
Vấn đề được các chuyên gia và giới DN quan tâm là việc đánh giá, sắp xếp năng lực sẽ do cơ quan quản lý Nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp xã hội xác nhận có sự đồng thuận cao của khối DN. Mặt khác, mọi thông tin trong quá trình phân loại hồ sơ năng lực cũng phải đảm báo yếu tố minh bạch và công khai.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh khẳng định, đánh giá năng lực nhà thầu sẽ giúp thị trường xây dựng Việt Nam phát triển lành mạnh, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Hiện, Bộ đang tổ chức nghiên cứu dự án điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng khả năng cạnh tranh các DN hoạt động xây dựng. Trên cơ sở đó, đề xuất các chỉ tiêu và phương pháp đánh giá năng lực cạnh tranh làm cơ sở để công bố xếp hạng năng lực.