Minh bạch và kỷ cương hành chính

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai - sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô".

Do đó, việc thực hiện tốt các cơ chế công khai, minh bạch là biện pháp quan trọng để người dân có thể nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước và giám sát. Các phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền sớm phát hiện các vi phạm.

Chấn chỉnh vi phạm, tăng sự hài lòng

Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh:Thanh Hải
Doanh nghiệp làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh:Thanh Hải

Tại Hà Nội, thực hiện và làm theo tư tưởng của Bác, việc chống nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân trong giải quyết công việc luôn được chú trọng trong xây dựng chính quyền và nâng cao chất lượng công vụ. Định kỳ hàng tháng, TP sẽ thực hiện việc khảo sát đo lường sự hài lòng tại các bộ phận trực tiếp tiếp xúc, giao dịch với người dân, DN... TP cũng đã rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”. Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm để kiểm tra, giám sát thường xuyên; kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.

Việc các cấp, ngành, đơn vị thực hành nghiêm việc phát hiện và xử lý kịp thời đối với các hành vi, biểu hiện vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử trong thực hiện công vụ và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức và công dân đã góp phần xây dựng nền hành chính minh bạch. Đặc biệt, nhiều đơn vị tại Hà Nội cũng đã có những cách làm hay như xây dựng bản cam kết duy trì thực hiện kỷ cương, trách nhiệm, tận tụy, chuyên nghiệp với công việc được giao; không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tiêu cực. Tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ; công tác cán bộ, nhất là trong bổ nhiệm, tuyển dụng. Đồng thời, mọi hoạt động quản lý hành chính, đặc biệt là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được công khai, cùng với tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành… đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm.

Không chỉ ở cấp TP, để đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, các đơn vị cũng đã tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân. Đồng thời, tăng thêm các hình thức truyền tải, công khai những nội dung liên quan đến dân sinh như chương trình mục tiêu giảm nghèo; các nội dung thu - chi ngân sách; quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của quận, huyện, thị xã…

Tăng sự tương tác

Tại nhiều quận, huyện, nhằm tăng sự tương tác giữa chính quyền với người dân, đã xây dựng trang "Chính quyền điện tử" trên ứng dụng Zalo, kết nối với Cổng dịch vụ công thực hiện các phần việc: Nộp hồ sơ trực tuyến; trao đổi, hỏi đáp, phản ánh, kiến nghị về thủ tục hành chính; đánh giá mức độ hài lòng... Qua đó, để hiểu hơn việc người dân, DN vướng mắc gì, cần hỗ trợ gì trong giải quyết các thủ tục hay chưa hài lòng với thái độ của cán bộ, công chức. Một số đơn vị còn thông qua giải pháp “định danh, đánh giá mức độ hài lòng bằng khuôn mặt”, công nghệ AI tự động để nhận diện khuôn mặt, trạng thái cá nhân để đánh giá mức hài lòng khi người dân ra về.

Như tại quận Cầu Giấy, việc đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính (chatbot) vào triển khai đã tạo thuận lợi cho người dân và giúp hơn 22.000 doanh nghiệp trên địa bàn quận tiếp cận thủ tục hành chính nhanh hơn, giảm thời gian chờ đợi, giúp cải thiện trải nghiệm của người dân với các dịch vụ công.

Tại quận Hoàn Kiếm, việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính được quận triển khai trong nhiều năm qua từ chuyên mục "Kiểm soát thủ tục hành chính" trên Cổng thông tin điện tử quận. Đây là kênh thông tin chính thống, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận nhanh chóng, chính xác các tin tức về thủ tục hành chính, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; địa chỉ tiếp nhận và các phản ánh, kiến nghị liên quan… thuộc phạm vi giải quyết của quận, phường...

Với cấp TP, để mở rộng kênh tương tác và tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức, TP đã thành lập kênh Zalo về vấn đề này. Đã có hàng nghìn phản ánh, kiến nghị được chuyển qua kênh này và TP cũng nhanh chóng chỉ đạo xử lý các kiến nghị.

Thông qua những ứng dụng này, người dân, DN không chỉ phản ánh, kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền các cấp, mà còn có thể phản hồi về hành vi, thái độ của cán bộ, công chức trong quá trình làm việc. Qua đó, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét trong mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, từ đó loại trừ những vi phạm phát sinh, củng cố thêm niềm tin, tăng thêm sự gắn kết như lời Bác dạy.