Các cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu trên phố Xã Đàn không mở cửa bán hàng trước 9 giờ (ảnh sáng 6/5). |
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị 8 giờ sáng 6/5 cho thấy, hầu hết cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu như thời trang, sắt thép, máy tính trên các tuyến phố Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn, Chùa Bộc, Đê La Thành, Cát Linh... đều không mở cửa bán hàng.
Bà Vũ Thị Mơ, chủ hàng kinh doanh thời trang trên phố Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: Trước khi có dịch Covid-19 các cửa hàng kinh doanh thời trang thường sau 9 giờ mới mở cửa, bởi đầu giờ sáng không có nhiều người mua sắm quần áo thời trang. Nhưng nếu TP cho mở cửa muộn và không giới hạn thời gian đóng cửa sẽ tạo thuận lợi cho cửa hàng tăng doanh thu.
Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu trên phố Chùa Bộc lại cho rằng: Việc UBND TP Hà Nội quy định sau 9 giờ mới được mở cửa bán hàng cũng ảnh hưởng nhất định đến doanh số bán hàng. Nguyên nhân là do cửa hàng họ chỉ đông khách vào đầu giờ sáng hoặc chiều, nên kiểu gì họ cũng phải tranh thủ mở cửa buôn bán sớm.
Tuy nhiên để bù đắp các, cửa hàng đã đẩy mạnh quảng cáo và bán hàng online thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... hoặc các sàn thương mại điện tử như Lazara, Tiki, Sendo...
"Mặc dù, các đơn hàng online không thể nhiều bằng bán trực tiếp nhưng cũng đã bù đắp phần nào doanh số” - chị Nguyễn Kim Liên kinh doanh thời trang trên phố Chùa Bộc chia sẻ.
Tuy nhiên những người kinh doanh cũng đề nghị UBND TP Hà Nội, khi dịch Covid-19 đã được khống chế nên bãi bỏ quy định này, qua đó tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh thuận tiện buôn bán.
Thực tế cho thấy, bên cạnh các cửa hàng tuân thủ quy định, vẫn có một số cửa hàng kinh doanh sắt thép, thiết bị điện, đồ gỗ trên đường đê La Thành, Hoàng Hoa Thám... mở cửa kinh doanh trước 9 giờ sáng, chủ những cửa hàng này lý giải “cửa hàng cũng là nhà riêng nên phải mở cửa từ sáng sớm”.