Tuy nhiên, để mô hình "nhất thể hóa" này vận hành tốt, bên cạnh việc chọn được nhân sự “tinh nhuệ” cũng cần có cả quy chuẩn và cơ chế chính sách phù hợp đi kèm. Hiệu quả cao Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Kim Vân thẳng thắn chia sẻ: “Lúc mới từ Ban Tổ chức Quận ủy về nhậm chức từ đầu nhiệm kỳ này, quả thực cũng thấy lo, bởi phải “đóng” luôn cả "hai vai". Công việc thì gấp đôi, nếu không làm tốt, chắc chắn sẽ “vỡ trận”. Cũng chẳng kịp học việc, phải bắt tay ngay cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, điều hành và thực hiện. Quan trọng là phải bố trí thời gian hợp lý, phân vai, phân nhiệm rõ ràng của mình cũng như các đồng chí trong Ban Thường vụ và UBND”.
Nhờ đó, công việc của phường nhanh chóng nhịp nhàng trở lại. Theo bà Vân, việc nhất thể hóa chức danh rất thuận lợi cho công tác điều hành, chỉ đạo. Khi xử lý công việc, vừa đảm bảo sự đồng nhất, vừa triển khai sâu và khẩn trương hơn. Bởi lẽ, nếu là hai người đảm nhận hai cương vị sẽ phải mất thêm thời gian
để xin ý kiến giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Không chỉ giảm hội họp, đối với chủ trương Đảng ủy đã thống nhất thông qua, trên cương vị là Chủ tịch UBND sẽ chỉ đạo chính quyền triển khai ngay, không chờ theo quy trình mà chọn những việc trọng tâm, cần ưu tiên để thực hiện. Hiệu quả đã thể hiện rõ trên các mặt công tác từ đầu năm đến nay của phường Kim Giang, nhất là trong quản lý đô thị và giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc. Cũng “thuận” như bà Vân, trước khi kiêm luôn cả Chủ tịch UBND phường Quang Trung (quận Đống Đa), ông Nguyễn Anh Tuấn đã có kinh nghiệm khi làm Bí thư Đảng ủy phường. Chính vì vậy, công tác xây dựng Đảng khá “thạo” và thực hiện bài bản. Vấn đề là làm thế nào để hài hòa với cả cương vị người đứng đầu chính quyền, bởi “trước kia mình làm Bí thư, đề ra chủ trương, nếu thực hiện không tốt còn “đổ tại” cho Chủ tịch được, bây giờ thì chẳng thể né tránh trách nhiệm”. Khi đã định hình được, cùng với hệ thống chính trị ổn định, hiệu quả rõ nét ngay. Liên tục từ năm 2014 đến nay, thu ngân sách trên địa bàn phường Quang Trung đều tăng cao, thậm chí năm 2015 còn đạt tới 508% kế hoạch nhờ nhiều biện pháp có tính đột phá. Chính vì vậy, khi nhận định về mô hình "nhất thể hóa", cả bà Vân và ông Tuấn đều cho rằng, nên tiếp tục chủ trương này, vừa nâng cao trách nhiệm, trình độ, bản lĩnh cán bộ, vừa giúp địa phương thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn. Thống nhất quan điểm này, Phó Ban Tổ chức Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Thu Thủy (nguyên Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Đồng Nhân) cũng nhận định, nếu chọn được nhân sự tốt, cán bộ giúp việc có năng lực, địa bàn ở mức “vừa vừa” thì nên thực hiện nhất thể hóa. Cần định hướng lâu dài Bên cạnh nhiều cái lợi như vậy, đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội lại cho thấy còn nhiều hạn chế để nhân rộng mô hình này. Đó là một số nơi thực hiện thí điểm chủ trương nhưng chưa kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy; chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND một cách đồng bộ, nên quá trình thực hiện nhiệm vụ nhiều người còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai" Bí thư với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai" Chủ tịch UBND với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thường phải giải quyết nhiều công việc cụ thể của chính quyền; phải tham gia nhiều cuộc họp do cấp ủy, UBND cấp trên triệu tập, do vậy, thời gian chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát thực hiện còn ít. Dẫn đến có nơi xảy ra tình trạng quan liêu, bỏ sót việc, ảnh hưởng đến vai trò, chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy. Một vài nơi xảy ra tình trạng những việc quan trọng của địa phương không được đưa ra cấp ủy bàn bạc thấu đáo mà đã tổ chức thực hiện, nên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Bên cạnh đó, một số cán bộ sau thời gian thực hiện tốt "hai vai” đã được tín nhiệm giữ trọng trách cao hơn, nên dẫn đến thiếu hụt về nhân sự. Chính vì những lý do đó, nên mô hình nhất thể hóa này thời gian qua không được nhân rộng, mà tùy tình hình từng địa phương, các quận, huyện, thị xã sẽ chủ động thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải có đường lối, hướng dẫn và cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể nhằm định hướng cho cơ sở. Cùng với đó, công tác đào tạo cán bộ phải được thực hiện quyết liệt để tạo nguồn cho vị trí chủ chốt. Sau cùng là vấn đề xây dựng cơ chế giám sát bằng cả điều lệ, chính sách và cả pháp luật để tránh tình trạng chuyên quyền, độc đoán. Có như vậy, mô hình nhất thể hóa chức danh chủ chốt mới được cấp cơ sở “mặn mà” thực hiện và nhân rộng.
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Kim Vân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của ứng cử viên HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Minh Tuấn |
19 địa phương đang thực hiện nhất thể hóa Ngày 26/5/2009, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã có Kế hoạch số 24 chỉ đạo 11 quận, huyện lựa chọn 30 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương Bí thư cấp ủy, đồng thời là Chủ tịch UBND (trong đó có 6 đơn vị tổ chức thực hiện chủ trương này trước khi có Kế hoạch của Thành ủy). Ngoài ra, TP còn triển khai thực hiện chủ trương này đối với 16 xã, phường, thị trấn tại một số quận, huyện. Nhưng sau một thời gian triển khai, có 9 quận, huyện đã căn cứ tình hình, điều kiện thực tế của các xã, phường, thị trấn làm điểm, quyết định không tiếp tục thực hiện chủ trương này. Do đó, trong giai đoạn 2011 - 2012, toàn TP có 37/577 xã, phường, thị trấn thí điểm nhất thể hóa hai chức danh này, và đến nay chỉ còn 19 địa phương thực hiện. |
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong: Cần thêm cơ chế vận hành cho tốt để phát huy hiệu quả mô hình Tại quận Hai Bà Trưng đã thí điểm nhất thể hóa ở phường Đồng Nhân được 4 năm, đến năm 2015 chuyển sang tiếp tục thí điểm tại phường Bạch Mai. Qua đó, chúng tôi đánh giá mô hình nói chung phát huy hiệu quả tốt; cán bộ thuận lợi hơn trong công tác lãnh đạo; giúp cơ sở tập trung được sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Vấn đề mấu chốt là người cán bộ nhận nhiệm vụ đó cần nhận thức rõ từng “vai” của mình khi ở từng vị trí để điều hành cho chuẩn. Tôi muốn nhấn mạnh, hiệu quả mô hình này phụ thuộc không chỉ vào địa bàn mà còn tùy vào yếu tố con người - tức là năng lực của cán bộ và một số yếu tố nữa. Khi hội đủ nhiều yếu tố thì mô hình mới phát huy được hiệu quả, chứ không chỉ do một yếu tố mà chúng tôi quyết định triển khai. Qua quá trình làm cũng không nảy sinh nhiều khó khăn, nhưng để nhân rộng mô hình này thì tôi nghĩ chưa nên, mà cần tiếp tục thí điểm để rút thêm kinh nghiệm. Để các địa phương làm tốt hơn, quan trọng nhất là T.Ư, TP tạo thêm cơ chế vận hành, điều kiện thuận lợi hơn cho mô hình phát huy hiệu quả. Còn về công tác cán bộ, như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho họ, thì thuộc về trách nhiệm của quận. (Linh Chi) |