Mô hình “đưa chợ ra phố”: Tùy thuộc điều kiện địa phương triển khai cho phù hợp thực tế

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đưa chợ ra phố”, thiết lập một số chợ tạm đang được vài địa phương triển khai để phục vụ người dân, đồng thời đảm bảo giãn cách phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, cách làm này không nên áp dụng một cách cứng nhắc mà tùy vào điều kiện của từng địa phương triển khai phù hợp thực tế.

Thiết lập chợ tạm phục vụ nhu cầu mua sắm
Tỉnh Khánh Hòa đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, nên huyện Vạn Ninh phải tạm dừng hoạt động chợ xã Vạn Thắng. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu, UBND xã đã tổ chức chợ tạm bán các mặt hàng như thịt, cá, rau, củ, trứng, lương thực, thực phẩm khô… Các tiểu thương được bố trí ngồi giãn cách, trước các quầy hàng được giăng dây để hạn chế tiếp xúc. Số lượng người vào chợ cũng được hạn chế theo ngày chẵn - lẻ.
Tại TP Nha Trang, các chợ truyền thống vẫn tiếp tục đóng cửa. Việc cung ứng hàng hóa cho người dân chủ yếu do hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Vừa qua, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải đóng cửa tạm thời do liên quan đến các trường hợp F0. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, TP Nha Trang đã triển khai mô hình xe buýt bán hàng lưu động, đưa hàng hóa đến bán cho người dân tại các cụm dân cư.
Đánh giá lợi ích đem lại cho người dân trong thời gian giãn cách phòng chống Covid-19, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú nêu rõ, cách làm này của tỉnh Khánh Hòa rất linh hoạt, sáng tạo trong việc đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần đảm bảo nguồn hàng cung ứng hàng đều đặn. Hàng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng tiểu thương mua rẻ bán đắt “bắt chẹt” người nông dân, người tiêu dùng.
Người dân mua hàng hóa thiết yếu tại điểm bán hàng lưu động tổ chức tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP Hà Nội

Trả lời câu hỏi có nên mở rộng mô hình “đưa chợ ra phố” tới các địa phương trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Vinh Phú và nhiều chuyên gia bán lẻ có chung ý kiến, việc “đưa chợ ra phố” phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể ở từng địa phương.
Với tỉnh Khánh Hòa mô hình “đưa chợ ra phố” là phù hợp, bởi hầu hết hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn đã ngừng hoạt động, việc mua hàng tiêu dùng thiết yếu phụ thuộc vào hệ thống siêu thị. Thực tế cho thấy, một số quận trên địa bàn TP Hà Nội như Ba Đình, Long Biên, Hai Bà Trưng… đã tổ chức điểm bán hàng lưu động phục vụ những khu vực bị phong tỏa hoặc chợ dân sinh, siêu thị đã tạm dừng hoạt động do có ca nhiễm Covid-19.
“Việc TP Hà Nội mở các điểm bán hàng lưu động cũng tương tự như mô hình “đưa chợ ra phố” mà tỉnh Khánh Hòa đang triển khai, đây là cách làm hay cần nhân rộng ra toàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19”, ông Vũ Vinh Phú kiến nghị.  
Hà Nội triển khai bán hàng lưu động
Trong khi tỉnh Khánh Hòa triển khai mô hình “đưa chợ ra phố”, TP Hà Nội trong những ngày đầu tháng 8/2021 các quận, huyện đã thí điểm triển khai bán hàng lưu động qua đó đảm bảo lượng hàng tiêu dùng thiết yếu đến với người tiêu dùng.
Sáng 7/8, UBND quận Đống Đa phối hợp với Công ty TNHH Hương Việt Sinh mở điểm bán hàng lưu động tại nhà để xe số 2, trường Đại học Công Đoàn (phường Quang Trung). Dự kiến trong thời gian tới quận Đống Đa sẽ mở thêm 22 điểm điểm bán hàng lưu động trên toàn quận, phục vụ nhu cầu đi chợ của người dân trong thời gian Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.
Người dân khai báo y tế trước khi mua hàng tại điểm bán hàng lưu động phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

Thực tế cho thấy Đống Đa không phải là quận đầu tiên của TP Hà Nội tổ chức điểm bán hàng lưu động. Trước đó từ ngày 2/8, siêu thị AEON Việt Nam bắt đầu triển khai 4 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Long Biên. Hàng hóa được cung ứng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô... với giá bán được niêm yết rõ ràng, bằng với giá bán tại siêu thị.
Không chịu thua kém quận Hai Bà Trưng cũng tổ chức điểm bán hàng lưu động được đặt tại tầng 1 nhà A chợ Đồng Tâm - ngách 20 ngõ Trại Cá, thời gian hoạt động 6 giờ - 18 giờ 30 hằng ngày đến khi TP Hà Nội dỡ bỏ giãn cách xã hội. Tương tự UBND quận Ba Đình triển khai điểm bán hàng lưu động tại trường THCS Thăng Long (phường Cống Vị) và trường THCS Phúc Xá (số 2 An Xá).
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động. Để đảm bảo được nguồn cung và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng lưu động giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo phòng chống dịch và tạo thuận tiện cho người dân mua hàng tiêu dùng thiết yếu.
“Hiện hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Sở Công Thương đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19 trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên, đồng thời sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm” - bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ.
Ý kiến của các chuyên gia, cơ quan quản lý cho thấy việc triển khai các điểm bán hàng lưu động của TP Hà Nội, mô hình “đưa chợ ra phố” tỉnh Khánh Hòa là cần thiết góp phần giảm tải cho các chợ truyền thống và siêu thị, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.