Gia đình anh Kiều Huy Quyền là một trong những hộ khó khăn nhất của xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Bản thân anh Quyền thường xuyên đau ốm, không thể phụ vợ lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống. Thu nhập của cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào lúa và tiền công làm thuê ít ỏi của vợ nên rất bấp bênh. Giữa năm 2017, anh Quyền được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trao tặng một con bò sinh sản để phát triển sản xuất. “Nhận được bò tôi mừng lắm, bò đang sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cuối năm sẽ sinh bê con nên gia đình càng thêm phấn khởi vì có động lực để thoát nghèo” – anh Quyền chia sẻ.
|
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội trao tặng bò sinh sản các các hộ nghèo xã Đông Yên, huyện Quốc Oai tháng 8/2018 |
Đối với xã Yên Bình, huyện Thạch Thất năm 2017, được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 10 con bò cho 10 hộ nghèo, đến nay, có 1 con đã sinh bê, 9 con dự kiến cuối năm nay sinh. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình Đặng Hồng Ngọc cho hay, các hộ nhận nuôi bò đều vui mừng, tích cực chăm sóc bò theo đúng quy trình kỹ thuật. Để mô hình hỗ trợ bò sinh sản đạt hiệu quả, xã đã rà soát các đối tượng hộ nghèo, đồng thời, yêu cầu các hộ cam kết nuôi bò sinh sản từ 3 con bê trở lên mới được bán hoặc chuyển giao. Bên cạnh đó, cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.
"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao sức lan tỏa của mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản. Đặc biệt là sự vào cuộc nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y và các địa phương tiếp nhận. Với tính xã hội cao, đây là mô hình tiêu biểu của Hà Nội trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới." - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hạ Thúy Hạnh |
Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình hỗ trợ 90 con bò giống sinh sản (bò lai Sind) cho 90 hộ nghèo ở các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức. Bò trong độ tuổi 10 - 12 tháng, trọng lượng trung bình 180kg, được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Trung tâm còn hỗ trợ các hộ nuôi thức ăn hỗn hợp và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản.
Lan tỏa mạnh mẽGiám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đã giúp nhiều hộ gia đình ở các xã miền núi có thêm sinh kế thoát nghèo. Tiếp nối thành công và ý nghĩa của mô hình, năm 2018, Trung tâm tiếp tục hỗ trợ 80 con bò cho 80 hộ nghèo ở các xã Phú Cường (huyện Ba Vì), Đức Hòa (huyện Sóc Sơn), Đông Yên (huyện Quốc Oai), Văn Đức (huyện Gia Lâm). Đàn bò mới thả đang thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Theo giá thị trường hiện nay, bê con 6 - 7 tháng tuổi có thể bán được trên dưới 10 triệu đồng/con, là nguồn nhu nhập khá cho hộ nghèo.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản còn giúp các gia đình gắn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống. Những hộ làm nghề xây dựng tự làm chuồng bò và còn giúp các hộ khác đổ bê tông nền, xây tường. Đáng chú ý, một số hộ còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm bò, đầu tư máy, cải tạo vườn để phát triển kinh tế. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung (huyện Thạch Thất) Nguyễn Văn Lịch, hiệu quả lớn nhất mà mô hình mang lại là tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo. Với lợi thế đất đai, nguồn cỏ dồi dào nên các hộ không tốn kém chi phí trong quá trình nuôi dưỡng và phát triển đàn bò thuận lợi.