Sóc Sơn là huyện đầu tiên thí điểm chương trình trồng rau sạch và rau hữu cơ tại Hà Nội. Mô hình bắt đầu từ năm 2008, với sự phối hợp hỗ trợ của Hội Nông dân Việt Nam và tổ chức ADDA Đan Mạch tại Việt Nam. Hai đơn vị này đã thực hiện các lớp huấn luyện kỹ thuật canh tác hữu cơ cho hàng ngàn nông dân, thành lập các liên nhóm và HTX thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc trong quy trình sản xuất rau hữu cơ và sự giám sát của hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm của tổ chức ADDA Đan Mạch (PGS).
Hiện toàn huyện Sóc Sơn có 13 nhóm, 2 liên nhóm, 2 HTX sản xuất rau hữu cơ với diện tích hơn 20ha tại 3 xã Thanh Xuân, Đông Xuân và Xuân Giang. Sản phẩm rau hữu cơ đa dạng với hơn 40 loại rau củ, quả các loại như rau cải, rau lang, mùng tơi, bí xanh, bí đỏ, dưa leo… Các nhóm sản xuất ký kết hợp đồng cung ứng rau hàng ngày cho các công ty và nhóm khách hàng tiêu thụ tại Hà Nội mỗi tháng từ 75 - 80 tấn. Ngoài ra, tổng diện tích gieo trồng rau sạch trên địa bàn huyện là 1.425ha; mỗi năm sản xuất 3 vụ tại 26 xã, thị trấn; sản lượng 14.745 tấn. Rau an toàn được sản xuất trên diện tích hơn 400ha, được Chi cục BVTV cấp giấy chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn, đã và đang tổ chức mở rộng quy mô góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đem lại sản phẩm an toàn cho người sử dụng và hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Nguyễn Lương Du cho biết, hiện rau hữu cơ được đánh giá là sản phẩm sạch và an toàn tuyệt đối cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây rau chỉ được bón duy nhất loại phân hữu cơ đã được ủ mục trong khoảng 2 tháng, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích. Nếu có sâu bệnh, người trồng rau chỉ dùng các loại thảo mộc như tỏi, gừng đem giã và trộn với rượu rồi phun cho cây. Dù luôn có giá cao hơn rau an toàn khoảng 10 - 20% nhưng sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn luôn hết hàng; sản lượng rau mới chỉ đủ để cung cấp cho một số khách sạn, nhà hàng cao cấp, cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội và tại một số điểm chuyên bán rau hữu cơ chứ chưa đủ để bán rộng rãi…
Theo Chi cục BVTV Hà Nội, trong tổng số 5.000ha rau an toàn đã được UBND TP Hà Nội quy hoạch, cấp giấy chứng nhận hiện đã xây dựng được hơn 170ha rau VietGAP và 14ha rau hữu cơ. Trong định hướng phát triển, rau hữu cơ sẽ chiếm một tỷ trọng lớn hơn, dự kiến đến 2016, diện tích rau hữu cơ sẽ đạt khoảng 40 - 50ha. Tuy nhiên, việc sản xuất rau hữu cơ cần nhiều sức lao động, phức tạp và kỳ công hơn so với các hình thức sản xuất thông thường nên nhiều hộ còn ngần ngại áp dụng. Bên cạnh đó, do chưa có quy trình, quy định và giấy chứng nhận chính thức về rau hữu cơ nên người sản xuất rất khó chứng minh nguồn gốc rau khi giao dịch trên thị trường. Ngoài ra, các sản phẩm của quá trình canh tác hữu cơ do không sử dụng thuốc hóa học nên hình thức không bắt mắt, khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng… Do đó, mặc dù có nhiều ưu việt so với các sản phẩm khác và thị trường tiêu thụ rất khả quan nhưng việc trồng rau hữu cơ vẫn khó nhân rộng.
Chăm sóc rau hữu cơ tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
|