Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni, hôm nay (20/7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia trong thời gian 3 ngày.
Đây là chuyến thăm Campuchia đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội lần thứ XII của Đảng.
Chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử, diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, là dịp quan trọng để hai bên nhìn lại chặng đường lịch sử quan hệ 50 năm qua và mở ra một thời kỳ mới, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống gắn bó từ lâu đời. Cách đây 50 năm, trên cơ sở mối quan hệ đoàn kết hữu nghị vốn có giữa hai nước, Việt Nam và Campuchia đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong bức điện gửi Quốc trưởng Campuchia Norodom Sihanouk, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ việc đặt quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Campuchia là biểu hiện rực rỡ của mối tình hữu nghị thân thiết và đoàn kết chiến đấu. Đó là sự kiện lịch sử trong quan hệ hai nước, một nhân tố tích cực trong việc giữ gìn hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.
50 năm qua, vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những biến cố của của thời đại, quan hệ hai nước ngày càng trở nên khăng khít, bền chặt, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện trong thực tế bằng công sức, xương máu và sự hy sinh của biết bao anh hùng liệt sĩ cũng như sự phấn đấu của nhiều thế hệ người Việt Nam và Campuchia, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Ngày nay, với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, quan hệ Việt Nam - Campuchia vẫn đang không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Hai bên duy trì việc trao đổi đoàn các cấp. Giao lưu giữa các Bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân diễn ra thường xuyên liên tục, góp phần củng cố và tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng. Việt Nam hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Campuchia. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt gần 3 tỷ USD, hai bên phấn đấu để sớm đạt được mục tiêu 5 tỷ USD.
Về đầu tư, hiện nay Việt Nam đã có khoảng 190 dự án được cấp phép đầu tư tại Campuchia trên nhiều lĩnh vực với tổng số vốn đăng ký gần 3 tỷ USD. Việt Nam cũng là nước hàng đầu có số khách du lịch sang Campuchia với 960.000 người trong năm 2016.
Hợp tác trên lĩnh vực an ninh quốc phòng giữa hai nước được tăng cường. Hai bên cam kết thực hiện chính sách không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình để đe dọa an ninh của nước kia. Trên cơ sở các Hiệp ước Hiệp định và thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương biên giới hai bên đang tích cực phối hợp triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền.
Đến nay, hai bên đã hoàn thành hơn 84% khối lượng công việc và quyết tâm cùng nhau sớm hoàn thành công tác này nhằm xây dựng đường biên giới hai nước thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.
Hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa cũng được hai bên quan tâm thúc đẩy. Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Chuyến thăm cấp nhà nước Vương quốc Campuchia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra trong bối cảnh Campuchia vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường khóa IV.
Chuyến thăm nhằm khẳng định đường lối, chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc củng cố và tăng cường quan hệ với Campuchia và Đảng Nhân dân Campuchia, thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Chuyến thăm cũng sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa hai nước.
Những kết quả đạt được trong 50 năm qua là tiền đề và cơ sở để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tin tưởng chắc chắn rằng, với hàng loạt cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao trong khuôn khổ chuyến thăm, sẽ là dịp quan trọng để các nhà lãnh đạo hai nước nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, cùng nhau mở ra thời kỳ mới, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới./.