Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm dịch vụ tiền di động Mobile Money trong vòng 2 năm đối với các trung gian thanh toán và nhà mạng viễn thông. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch của MobiFone đối với dịch vụ này?
Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) được ban hành vào đầu tháng 3 vừa qua là khung pháp lý để các DN và cơ quan quản lý Nhà nước tiến hành những thủ tục tiếp theo.
Sau quyết định này, MobiFone sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quyết định 316 để Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an thẩm định cấp phép. Khi hoàn tất quy trình thủ tục, MobiFone sẽ đẩy nhanh tiến độ việc triển khai để cung cấp dịch vụ tới khách hàng, bao gồm việc đầu tư phát triển công nghệ.
Tôi cho rằng Mobile Money là bước đi cần thiết nhằm phổ cập thanh toán số cho toàn dân, hướng tới những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, và quan trọng hơn là tăng cường cung cấp dịch vụ tài chính một cách toàn diện tại Việt Nam.
Với Mobile Money, người dân sẽ có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ tài chính đơn giản với chi phí phù hợp, và qua đó giúp họ nâng cao kiến thức tài chính.
Trong thời gian tới, MobiFone sẽ tăng cường hợp tác liên kết với các ngân hàng, tổ chức tài chính để khai thác cơ hội hợp tác mới, đồng thời hoàn thiện hệ sinh thái tài chính số với mục tiêu giữ chân khác hàng hiện hữu và phát triển thêm khách hàng mới.
Kỳ vọng của MobiFone đối với dịch vụ Mobile Money trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Nhiều năm qua, MobiFone đã tham gia đóng góp vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng cho viễn thông. Hiện tại, cùng với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu thực tại của DN, tôi cho rằng từng bước các DN viễn thông cần đóng vai trò tích cực hơn trong việc cung cấp hạ tầng cho sự phát triển của kinh tế xã hội.
Điều này có thuận lợi là hiện nay, các DN viễn thông đã tham gia hoạt động trong lĩnh vực số ngay từ đầu. Riêng về Mobile Money, đề án nêu rõ các DN cần ưu tiên tập trung phát triển những địa bàn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, cụ thể là nhóm khách hàng yếu thế chưa có điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng - tài chính theo phương thức truyền thống.
Tôi lấy ví dụ, theo thống kê của NHNN cho thấy hiện có khoảng 70% dân số trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Số 30% còn lại chủ yếu sinh sống ở những vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…Thông qua việc tận dụng năng lực hạ tầng, mạng lưới viễn thông sẵn có và định hướng của Chính phủ, MobiFone sẽ cùng với các DN viễn thông khác tập trung hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng dân cư ở những địa bàn này, để giúp họ có cơ hội và điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính hiện đại truyền thống.
Điều này sẽ từng bước hiện thực hoá các chủ trương chính sách của Chính phủ, mà điển hình là thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngoài ra, việc người dân được tiếp cận các phương tiện, công cụ tài chính sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Theo ông, đâu là những khó khăn trong quá trình triển khai Mobile Money tới đây?
Đây là dịch vụ mới, do đó sẽ có nhiều điểm khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai, có thể liên quan đến quy trình về cách thức định danh khách hàng, phòng chống gian lận, cách thức quản trị cần thiết để đảm bảo hiệu quả… Đặc biệt là việc tương tác và triển khai dịch vụ ở những vùng sâu vùng xa nơi điều kiện kinh tế xã hội chưa phát triển, và thu nhập người dân còn thấp.
Những điều đó đòi hỏi sự bền bỉ và kiên trì trong việc theo đuổi mục tiêu xuyên suốt, nhằm giúp Mobile Money đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Xin cảm ơn ông!
Mobile Money cho phép người dùng thanh toán trực tuyến trên điện thoại mà không cần phải liên kết tài khoản ngân hàng để nạp tiền. Dự kiến dịch vụ này sẽ được các nhà mạng triển khai trong quý II năm nay, với giới hạn hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng. Bộ TT&TT kỳ vọng việc triển khai dịch vụ Mobile Money tới 100% người dân sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 0,5 điểm phần trăm như kinh nghiệm trên thế giới. |