Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mới chỉ khuyến cáo loại bỏ tập tục phản cảm của lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Bộ VHTT&DL đã có Công văn số 943/BVHTTDL-VHCS yêu cầu các địa phương không cấp phép, phục dựng tràn lan các lễ hội như chém lợn, đâm trâu, cầu trâu, chọi trâu.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2014.  	Ảnh: Thủy Chung
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2014. Ảnh: Thủy Chung
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thủy – Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở - đơn vị quản lý Nhà nước về lễ hội xung quanh vấn đề “phép vua” và “lệ làng” trong các lễ hội, đặc biệt là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn sẽ diễn ra vào tháng 8/2015. 

Chúng ta hiện có nhiều lễ hội chọi trâu truyền thống  được tổ chức từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cũng có những lễ hội mới được cấp phép tổ chức 2 năm (lễ hội chọi trâu Phúc Thọ, Hà Nội). Như vậy, Bộ có mâu thuẫn giữa một mặt ra văn bản cấm, một mặt lại cấp phép cho các lễ hội này hoạt động?

- Tôi không phủ nhận hiện nay có không ít lễ hội chọi trâu mới, hoặc có không ít địa phương đua nhau phục dựng như ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ), Đồ Sơn (Hải Phòng), Phúc Thọ (Hà Nội). Nhưng về mặt phân cấp quản lý thì Bộ VHTT&DL, cơ quan trực tiếp quản lý là Cục Văn hóa cơ sở chưa bao giờ cấp phép cho các lễ hội này; thẩm quyền cấp phép thuộc cấp tỉnh, huyện, xã. Chúng tôi tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho các lễ hội phục dựng phát huy giá trị văn hóa ở cộng đồng. Thế nhưng, với những lễ hội hiến sinh, Bộ có trách nhiệm khuyến cáo các địa phương hết sức thận trọng khi cấp phép các tập tục.

Công văn 943 nhằm khuyến cáo cho mùa lễ hội 2016. Nhưng vào tháng 8/2015 sẽ diễn ra lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) - một lễ hội có nhiều tập tục phản cảm, tầm ảnh hưởng lớn, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Bộ VHTT&DL có động thái gì để ngăn chặn tập tục mổ thịt trâu thua và trâu thắng trong lễ hội này?

- Dù lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội cấp quốc gia, nhưng vẫn thuộc phạm vi quản lý của TP Hải Phòng. Trong năm, Bộ chỉ cấp phép duy nhất cho lễ hội Đền Hùng. Tuy nhiên, Bộ cũng đã yêu cầu Ban quản lý lễ hội của TP Hải Phòng phải làm thế nào “gạn đục khơi trong”, bảo tồn những giá trị nhân văn nhất của truyền thống văn hóa, trong đó có lễ hội. Với lễ hội mà dư luận có ý kiến trái chiều, đề nghị địa phương có nghiên cứu, làm trình tự lấy ý kiến cộng đồng, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học. Trên cơ sở đó, cần có sự thống nhất đi đến giải pháp chung, thay đổi hình thức tổ chức để hạn chế những vấn đề dư luận đang phản ứng.

Bộ VHTT&DL ra văn bản khuyến cáo là vậy, nhưng nhiều địa phương quan niệm “phép vua thua lệ làng”. Và thực tế văn bản quản lý Nhà nước đã không cấm nổi tục chém lợn giữa sân đình ở lễ hội chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh). Bà nghĩ sao về phản ứng tiêu cực này?

- Quan niệm “phép vua thua lệ làng” chỉ có ở thời xa xưa. Theo tôi, trong bối cảnh chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền, quan niệm đó không còn phù hợp nữa. Ngăn cấm được hình ảnh phản cảm hay không nằm ở việc địa phương có quyết liệt hay buông lỏng quản lý. Hiện nay, Bộ VHTT&DL giao cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tổ chức các cuộc hội thảo để đi đến thống nhất trong phương pháp quản lý lễ hội các năm sau. Trước mắt, hội thảo sẽ chú tâm vào một số tập tục chém lợn ở Bắc Ninh, cầu trâu ở Phú Thọ và chọi trâu ở Hải Phòng…

Xin cảm ơn bà!
Để chuẩn bị cho lễ hội chọi trâu Đồ Sơn vào tháng 8 năm nay, Sở VHTT&DL Hải Phòng sẽ làm việc với quận Đồ Sơn để lắng nghe tâm tư, góp ý của người dân, các nhà khoa học, nhà văn hóa để tìm ra sự phù hợp, vừa đảm bảo tính truyền thống, nhân văn trong văn hóa dân tộc, bản sắc địa phương.
Ông Đoàn Duy Linh
Giám đốc Sở VHTT&DL Hải Phòng
Chúng tôi đã có văn bản gửi đến cấp huyện và xã lấy ý kiến nghiêm cấm không tổ chức giết mổ, đâm trâu. Song, bảo ngay lập tức thay đổi những tập tục ăn sâu vào tiềm thức là hơi khó. Với những hành vi phản cảm có lẽ ta sẽ dùng hình thức khác để thay đổi, ví như không dùng búa tạ đập trâu đến chết mà dùng búa cao su đập mang tính tượng trưng. Việc giết mổ thì nói thật cái khó nằm ở chỗ những ông cầu (chủ trâu chọi) đi mua trâu về nuôi nấng, chăm sóc nên cũng có tính chất kinh doanh, con trâu thắng bán thịt đương nhiên giá đắt hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Ân
Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ