Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi đại biểu cần hoàn thành tốt nhất chức trách của mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/1, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã...

Kinhtedothi - Chiều 27/1, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội đã chủ trì hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai chương trình hoạt động năm 2015 của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội. Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã tham dự.

100% đơn của cử tri đều được phân loại, xử lý kịp thời

Năm 2014, Đoàn ĐB Quốc hội TP được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chương trình kế hoạch đề ra trên tất cả các lĩnh vực công tác từ xây dựng luật, đến giám sát, tiếp xúc cử tri... Ngoài các đợt giám sát của UBTV Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, Đoàn đã giám sát 2 chuyên đề như “Việc thực hiện các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự trên địa bàn TP”; “việc thực hiện chính sách pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2013”; khảo sát 4 vấn đề cử tri quan tâm như xử lý chất thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế; triển khai Luật Thủ đô… Kết quả giám sát, khảo sát đã giúp đưa ra giải pháp, khắc phục tồn tại trong từng lĩnh vực; phục vụ cho việc sửa đổi một số luật, chính sách vĩ mô.
Bí thư Thành ủy - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị.             Ảnh: Vũ Minh
Bí thư Thành ủy - Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Vũ Minh
Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Chu Sơn Hà cũng cho biết: Cùng với việc tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp, Đoàn đã tổ chức để cá nhân một số ĐB tiếp xúc cử tri tại địa bàn cư trú; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Đây là một nét mới đang được Đoàn đẩy mạnh để tăng tính dân chủ và kết nối gần hơn với cử tri, lắng nghe được nhiều ý kiến hơn… Việc tiếp công dân cũng được chú trọng hơn, 100% các đơn của cử tri gửi đến Đoàn đều được phân loại, xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, Đoàn ĐB Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như việc ĐB vẫn vắng mặt nhiều trong các kỳ họp, tham gia chưa nhiều  vào các hoạt động của Đoàn; việc tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú vẫn chưa thực hiện được nhiều… Theo Phó Trưởng Đoàn Chu Sơn Hà, trong năm 2015, ngoài việc tổ chức các hội nghị góp ý luật như các năm trước, Đoàn sẽ xây dựng các hình thức đóng góp phong phú hơn như tham vấn cử tri qua các cuộc tiếp xúc, giám sát… Cùng với đó, Đoàn dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Việc thực hiện các quy định của pháp luật về thu phí, lệ phí”, “Việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành các quyết định hành chính trên địa bàn”; khảo sát “tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn”... Đồng thời, tăng hơn các cuộc tiếp xúc cử tri của cá nhân ĐB ở nơi cư trú. Đây cũng là vấn đề được lãnh đạo các quận, huyện mong muốn ở các ĐB để tạo cầu nối, chuyển tải tới Quốc hội, các cơ quan chức năng những ý nguyện của cử tri trước các vấn đề tại địa phương.

Nâng chất lượng nội dung trả lời cử tri

Khẳng định những kết quả Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội làm được đã giúp việc gắn kết mật thiết giữa Quốc hội và cử tri được nâng lên, từ đó góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm, tuy nhiên Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP Phạm Quang Nghị cũng thẳng thắn nhận định: Hoạt động của Đoàn và các ĐB vẫn còn những hạn chế như việc tiếp xúc cử tri có nơi còn lúng túng trong tổ chức, các ý kiến đưa ra còn mang tính sự vụ, không thuộc thẩm quyền của Quốc hội; các ĐB tham dự hoạt động giám sát chưa nhiều...

Để thời gian tới Đoàn ĐB Quốc hội TP hoạt động hiệu quả hơn, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị Thường trực HĐND, UBND, MTTQ tăng cường sự phối hợp, đặc biệt trong một số nội dung chính như: Nghiên cứu, góp ý các dự án Luật như Luật Chính quyền địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước... để nâng chất lượng xây dựng luật. Tăng phối hợp trong giám sát, khảo sát bằng việc nghiêm túc, kịp thời cung cấp thông tin theo yêu cầu của Đoàn, làm rõ những vấn đề Đoàn nêu ra. Sau khi có kết luận giám sát, khảo sát, UBND TP cần chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện và thông báo lại với Đoàn để thông tin tới cử tri. Về hoạt động tiếp xúc cử tri, Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP cũng đề nghị UBND TP và các sở, ngành cần nâng chất lượng nội dung trả lời cử tri theo hướng rõ việc, rõ thời gian thực hiện. Bố trí đại diện lãnh đạo tham gia đầy đủ các hoạt động tiếp xúc để nắm bắt tâm tư của cử tri.

Về thực hiện quyền chất vấn của ĐB Quốc hội, Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị đề nghị các ĐB trong Đoàn lưu ý đến các câu hỏi, vấn đề đưa ra chất vấn, coi trọng các vấn đề cử tri địa phương quan tâm, không nên đặt ra những vấn đề “hỏi cho biết”, chung chung. Đồng thời, đề nghị mỗi ĐB Quốc hội cần cố gắng hoàn thành tốt nhất chức trách của mình, xứng đáng là người ĐB của Nhân dân và niềm tin của cử tri.
Bất cứ ai vi phạm pháp luật đều không được miễn trừ
Tại cuộc tổng kết hoạt động của Đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Nguyễn Thị Hồng Hà đã chính thức thông tin tới toàn thể Đoàn ĐB Quốc hội TP việc UBTV Quốc hội tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐB Quốc hội với bà Châu Thị Thu Nga để phục vụ việc điều tra của cơ quan chức năng về các dấu hiệu sai phạm quản lý đất đai, dấu hiệu lừa đảo về huy động vốn của Nhân dân và doanh nghiệp tại một số dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group thực hiện.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nhận định: Qua những thông tin cơ quan điều tra đưa ra có thể thấy những sai phạm của bà Châu Thị Thu Nga là rất nghiêm trọng và có hệ thống. Đoàn ĐB Quốc hội và lãnh đạo TP đã nắm được thông tin khá sớm qua đơn thư của người dân. Vì thế, TP cũng đã rất chủ động trong việc yêu cầu thanh tra TP phải vào cuộc thanh tra dự án của công ty này. Sau khi có kết luận của thanh tra, Thường trực Thành ủy đã giao cho cơ quan Công an vào cuộc, bà Châu Thị Thu Nga đã có nhiều biểu hiện lạm dụng quyền hạn của ĐB Quốc hội. TP đã làm rất quyết liệt và chuyển toàn bộ thông tin lên UBTV Quốc hội và Ban công tác ĐB của Quốc hội. Mặc dù vụ việc được xử lý có phần chậm, nhưng ý nghĩa cho thấy bất cứ ai khi vi phạm pháp luật đều không được miễn trừ.