Sản xuất linh kiện điện tử chất lượng cao tại Công ty Năng lực Việt, khu Công nghiệp Nam Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải |
Doanh nghiệp cần “sân chơi bình đẳng”
Khu vực DN đang đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP, với 560.417 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong số hơn 500.000 DN, hơn 90% là DN nhỏ và vừa, quy mô còn manh mún, rất ít DN Việt có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này sẽ khiến họ bất lợi trong nền kinh tế mở hiện nay. Theo đánh giá của Ban Kinh tế T.Ư, DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Đối tượng tham gia của cuộc vận động là các DN, doanh nhân của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế. Các góp ý, đề xuất trọng tâm vào các nội dung: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DN Nhà nước, các tổ chức tín dụng; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất đến 31/12/2019. Lễ tôn vinh và trao giải dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020. |
Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Sebastian Eckardt nhận định: “Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Tuy nhiên, từ những khảo sát của WB cho thấy, các DN tư nhân ở Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn, công nghệ. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tạo lập một sân chơi bình đẳng giữa các DN với nhau; tăng cường các thể chế thị trường nhằm nâng cao năng suất của khu vực tư nhân. Đây sẽ là động lực lớn để kinh tế tư nhân phát triển, tăng sức cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, để tạo điều kiện cho sự phát triển của DN thì phải xây dựng một hệ thống thể chế chính sách làm bệ đỡ. Muốn có một lực lượng doanh nhân hùng hậu, tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại phồn thịnh cho quốc gia, thì điều kiện cần và đủ là phải có nền tảng thể chế thân thiện, an toàn cho họ làm ăn kinh doanh. “Chúng ta chỉ có thể vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu ta không hài lòng với chất lượng thể chế trung bình. Tạo môi trường thuận lợi cho DN vẫn là yêu cầu quan trọng nhất” - ông Lộc nói.Tháo gỡ rào cản xây dựng thể chế mớiTrong năm 2019, lần đầu tiên Bộ KH&ĐT biên soạn và công bố Sách trắng DN Việt Nam năm 2019. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Sách trắng cung cấp thông tin chi tiết về thực trạng phát triển DN theo ngành kinh tế, theo loại hình DN và theo địa phương, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin trong hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển DN bền vững và hiệu quả. Đây cũng là tiền đề xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, lành mạnh.
Sản xuất linh kiện tại Công ty TNHH Nhựa Hạ Long, khu Công nghiệp Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Trên tinh thần lắng nghe, cầu thị, Ban Kinh tế T.Ư, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các cơ quan có liên quan phối hợp tổ chức Cuộc vận động “DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. DN, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách phát triển kinh tế không phải là việc làm mới. Suốt hành trình cải cách hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng DN đã chung tay với Đảng, Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Những sáng kiến như “ba phần kế hoạch trong xí nghiệp công nghiệp”, “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” trong những năm đầu của hành trình cải cách đã ghi đậm dấu ấn tiếng nói của người dân và DN và đã góp phần tạo ra những điểm đột phá có tính chất dẫn dắt trong sự nghiệp cải cách nền kinh tế nước nhà. Sự gặp gỡ giữa ý Đảng với lòng dân, sự sáng tạo của DN và người dân là nguồn lực vô tận cho sự phát triển của đất nước.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, DN là một cơ chế phát huy quyền dân chủ có hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và thực thi chính sách ở Việt Nam và là cội nguồn quan trọng của những thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới cũng như cải cách ở nước ta. Không ai hiểu thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh bằng DN. Do đó việc góp ý, hiến kế của DN cần được đón nhận. Khi đã nghe, đã hiểu, điều quan trọng là cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung cho kịp thời.
Nhấn mạnh cuộc vận động này sẽ thu hút được trí tuệ của DN, doanh nhân, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho rằng, Cuộc vận động này chính là cơ hội để cho lực lượng chủ lực trong việc xây dựng kinh tế đất nước nói lên suy nghĩ của mình, góp ý với Đảng xây dựng thể chế và môi trường kinh doanh. Đồng thời phấn đấu mục tiêu trong 2 - 3 năm tới phải đạt chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh và chất lượng cạnh tranh nằm trong nhóm nền kinh tế hàng đầu.
Cuộc vận động “DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” được phát động lần này vẫn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ và chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII – một đại hội được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng cải cách lần thứ hai trong nền kinh tế Việt Nam. Hy vọng cuộc vận động này sẽ có ý nghĩa như một Hội nghị Diên Hồng về kinh tế để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng DN, góp phần xây dựng đất nước hùng cường như Bác Hồ hằng mong mỏi. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc |