Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi người dân là một tuyên truyền viên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC 67), Công an TP Hà Nội, trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, điều đáng buồn là số vụ TNGT ở khu vực ngoại thành lại tăng cả về 3 tiêu chí.

 Nguyên nhân, là do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân còn hạn chế, nên thường xuyên vi phạm trên đường.

Nhức nhối vi phạm

Tại một số huyện như Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai… tình trạng vi phạm luật giao thông của người điều khiển phương tiện diễn ra khá phổ biến. Rất nhiều trường hợp người dân khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ không cài quai, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Có mặt tại khu vực thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), trong khoảng một giờ chúng tôi đếm được  tới 50 - 60 trường hợp đầu trần đi xe máy, xe đạp điện trên QL32. Điều đáng nói, tại khu vực này, mật độ giao thông rất đông nhưng luôn vắng bóng lực lượng chức năng.

Cũng trên tuyến QL32 đoạn chạy qua cụm 9, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ được người dân cho biết là điểm đen về TNGT. Hàng năm, có rất nhiều người chết vì TNGT tại đây do người tham gia giao thông không quan sát kỹ khi sang đường, trong khi tại khu vực này có rất nhiều đường dân sinh. Chưa hết, tại các tuyến đường liên thôn, liên xã còn xuất hiện nhiều "nam thanh, nữ tú" đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, lạng lách...

 
Người dân không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường xã Yên Trung, Thạch Thất (ảnh trái) và trên QL21B, đoạn qua huyện Ứng Hòa. 	Ảnh: Trọng Tùng
Người dân không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường xã Yên Trung, Thạch Thất (ảnh trái) và trên QL21B, đoạn qua huyện Ứng Hòa. Ảnh: Trọng Tùng
Nhiều ý kiến của người dân tại các huyện cho rằng, bên cạnh ý thức người tham gia giao thông kém, thì hạ tầng cơ sở giao thông tại các tuyến đường liên huyện, xã đang có vấn đề. Tại nhiều tuyến đường, biển báo, cọc tiêu, đèn tín hiệu, đèn chiếu sáng thiếu, hoặc bố trí không đủ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tại các huyện đã và đang triển khai chương trình nông thôn mới với việc xây dựng, tu bổ hệ thống giao thông phục vụ nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất, kinh doanh. 70% tuyến đường liên thôn, liên xã được nâng cấp bê tông hóa, trải thảm nhựa giúp tăng năng lực lưu thông phương tiện thực sự có ý nghĩa với người dân ở ngoại thành. Song, trên thực tế sự kết nối hạ tầng giao thông chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng mất ATGT. Đẩy mạnh tuyên truyền

Như vậy, mấu chốt của vấn đề đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là các vùng nông thôn hiện nay là cần xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ để người dân hiểu và tự giác chấp hành. Để làm được điều này, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các buổi họp thôn, xã, huyện. Hàng tháng, quý mở các cuộc thi viết, chương trình văn nghệ, tuyên truyền viên qua các hoạt động của Hội Nông dân xã, các đoàn thể...

Nhằm tuyên truyền có hiệu quả, các huyện có thể phối hợp với Ban ATGT TP để được cấp đầy đủ tài liệu tuyên truyền, đặc biệt là việc trình chiếu cho người dân những hình ảnh minh họa về các vụ TNGT; Hướng dẫn người dân một số kỹ năng đi đường, cách điều khiển phương tiện an toàn, cách đi đúng phần đường, làn đường, qua các điểm giao nhau giữa đường bộ và đường sắt;… Đồng thời, giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của người dân về những quy định trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện giao thông theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Điều đáng nói là nội dung tuyên truyền đối với người nông dân phải ngắn gọn, súc tích trên tinh thần dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuyết phục.

Ngoài ra, các cấp chính quyền cần vận động, tuyên truyền sâu rộng về ATGT đến các thôn, xóm, dòng họ để tạo sự chuyển biến trong ý thức chấp hành luật giao thông của cộng đồng dân cư và làm gương để tuyên truyền cho con cái, người thân trong gia đình. Hướng tới mỗi người nông dân trở thành một tuyên truyền viên nhằm góp phần vào việc kéo giảm TNGT, bảo đảm trật tự ATGT ở vùng nông thôn.