Đề nghị này bị phía Triều Tiên bác bỏ nhưng phía Triều Tiên cũng đưa ra cho Hàn Quốc những điều kiện tiên quyết nhất định như thể để ngỏ cơ hội chứ không cự tuyệt dứt khoát.Tất cả những động thái này đều hướng tới triển vọng mức độ căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nước nếu không giảm bớt được thì cũng không gia tăng. Điều này có ý nghĩa rất to lớn đối với Hàn Quốc và Triều Tiên. Ở Hàn Quốc, ông Moon Jae-in sắp rời nhiệm sở và người kế nhiệm là ẩn số nên không có gì đảm bảo chắc chắn rằng định hướng chính sách đối ngoại cũng như di sản của ông Moon Jae-in về quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên sẽ được kế thừa và tiếp nối. Trong khi đó, phía Triều Tiên đang sốt ruột khi chính quyền mới của Mỹ không coi việc xử lý quan hệ của Mỹ với Triều Tiên, kể cả xử lý vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, thuộc diện được dành cho ưu tiên chính sách cầm quyền hàng đầu. Nếu cứ tiếp tục như thế này thì Mỹ được lợi và Triều Tiên bị bất lợi. Vì thế, ông Moon Jae-in tìm cách khởi động lại tiến trình hai miền trên bán đảo xích lại gần nhau hơn và thôi thúc việc bình thường hoá quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Một khi tân quan tân chính sách ở Hàn Quốc và Triều Tiên lại dồn dập phóng tên lửa hay thử nghiệm vũ khí mới thì việc nối lại tiếp xúc hay đi vào đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên càng thêm khó khả thi. Trong khi Triều Tiên chủ trương hạ hỏa để phân hóa Hàn Quốc với Mỹ và để thôi thúc Hàn Quốc gây áp lực để thời sự hoá chuyện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Hạ hỏa có tác động tích cực của nó nhưng chỉ hạ hỏa không thôi thì đâu có đủ để triệt hỏa.