Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
|
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong năm 2015, thiên tai đã làm 154 người chết, 127 người bị thương, hơn 36.000 nhà bị đổ, sập, trôi, ngập, hư hại, tốc mái... Tổng thiệt hại về tài sản khoảng hơn 8.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương, 475.580 hộ dân bị thiếu nước, trên 290.000ha lúa, hoa màu bị thiệt hại... Tổng thiệt hại khoảng 9.735 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là do hạn hán, xâm nhập mặn. Như vậy, chỉ tính riêng gần 5 tháng đầu năm 2016, thiệt hại do thiên tai gây ra đã cao hơn 1,2 lần so với cả năm 2015. (Bình quân mỗi tháng thiên tai gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng).
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo PCTT T.Ư, các phương án phòng, chống thiên tai của nhiều địa phương, bộ, ngành còn một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu và tình hình diễn biến thiên tai mới. Việc lồng ghép và tuân thủ các tiêu chí, quy định về an toàn trước thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển ngành... còn chưa được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đó, công tác dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng xảy ra cực đoan, bất thường và ở mức lịch sử; vùng dự báo còn rộng và chưa chi tiết. Dự báo, cảnh báo với các loại hình thiên tai như mưa lớn, lũ quét, hạn hán, xâm nhập mặn, lốc, sét còn chưa cụ thể. Đặc biệt, mối quan hệ với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hồng còn hạn chế nhất là trong điều tiết phòng, chống lũ, hạn hán chưa thật sự căn cơ, bài bản.
Năm 2016, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, tình hình thiên tai sẽ diễn biến phức tạp và cực đoan. Đặc biệt là ngay từ đầu năm 2016, rét đậm, rét hại ở miền núi phía Bắc, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân và thiệt hại cho sản xuất, kinh tế xã hội.
Ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho hay, đến giữa năm 2016 El Nino sẽ chấm dứt, khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông sẽ xuất hiện muộn và ít trung bình nhiều năm. Trong đó, sẽ có 4 - 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền, các cơn này sẽ tập trung vào những tháng cuối năm. Về tình trạng nắng nóng, từ tháng 6 - 8/2016, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1 độ C. Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ tập trung trong giai đoạn cuối tháng 4 - 8/2016, nhưng mức độ không gay gắt như các đợt nắng nóng trong năm 2015.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, những thách thức đối với Việt Nam liên quan tới biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Do vậy, phải tích cực hơn trong công tác chuẩn bị để sẵn sàng đối phó với các tình huống thiên tai xảy ra.
Ngoài ra, công tác dự phòng cũng rất quan trọng, để nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ, huy động các nguồn lực để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết, trang thiết bị, năng lực bộ máy tham mưu, chỉ đạo công tác để ứng phó kịp thời khi thiên tai xảy ra.
Để chuẩn bị đối phó với mùa mưa lũ năm nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Bộ NN&PTNT đang cùng 28 tỉnh xây dựng các kế hoạch để đối phó với mưa lũ, sơ tán người dân. Những khu vực nào có nguy cơ cao thì dứt khoát phải di dời ngay người dân ra khỏi đó.
Một nguyên nhân nữa khiến thiệt hại về người thường xảy ra là việc qua lại các dòng sông, suối, lạch, ngầm… trong mùa mưa lũ. Do vậy, theo ông Phát cần có kế hoạch bố trí người canh gác, hướng dẫn người dân để qua các điểm này an toàn.