Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Mới trọng ý tưởng, quên việc triển khai”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, hai từ “khởi nghiệp” đã trở thành từ khóa cho các bạn trẻ đam mê kinh doanh tìm kiếm trên mạng, trang bị cho mình kiến thức để thực hiện “giấc mơ làm chủ doanh nghiệp.”

Tuy nhiên, theo thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 300.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh mỗi năm nhưng sau 3 năm đầu tiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó còn hoạt động trên thị trường.

Chính vì lí do này, vừa qua HATCH! PROGRAM lần đầu tiên tổ chức sự kiện Triển lãm khởi nghiệp trong hai ngày (21/22/12) tại Hà Nội với mục đích cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam những kiến thức cơ bản, tầm nhìn chiến lược để có thể tồn tại và phát triển trong môi trường kinh tế khó khăn trong nước hay cạnh tranh khắc nghiệt ở nước ngoài.

 
 Các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Các bạn trẻ đang tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Để hiểu rõ hơn về mục tiêu khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp của các doanh nghiệp, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Quốc Đạt-Giám đốc và đồng sáng lập chương trình HATCH! PROGRAM.

- Ông nhìn nhận, chương trình này nhắm đến nhóm đối tượng nào và họ đã thực sự quan tâm đến việc khởi nghiệp hay chưa?

Ông Phạm Quốc Đạt: Đây là sự kiện thường niên lần đầu tiên được HATCH! PROGRAM tổ chức và đánh dấu một năm thành lập HATCH! PROGRAM với nhiều cột mốc phát triển quan trọng.

Khi tổ chức sự kiện, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, từ khâu tổ chức cho tới tài chính. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng đây là một sự kiện thành công vì đã thu hút được khoảng 1.000 người tham dự.

Ngoài ra, chương trình còn có 16 diễn giả đều là những lãnh đạo tập đoàn lớn và một số khởi nghiệp tiêu biểu tại Việt Nam đến chia sẻ với chương trình.

Theo khảo sát trực tiếp của chúng tôi, có đến 99% người tham dự triển lãm trả lời sẽ quay lại chương trình vào năm sau. Tôi nghĩ bất cứ một công ty khởi nghiệp nào tham dự sự kiện cũng sẽ nhìn thấy giá trị của nó.

Sự kiện lần này được tổ chức nhắm đến hai đối tượng chủ yếu, đó là các bạn đã khởi nghiệp và đang mong muốn khởi nghiệp. Chúng tôi đã thu hút được một lượng khách tham dự rất lớn so với quy mô chương trình.

- Ông đánh giá thế nào về tình hình khởi nghiệp tại Việt Nam, nhất là đối tượng trẻ? Các bạn trẻ Việt Nam cần có những phẩm chất gì để khởi nghiệp thành công trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn như hiện nay?

Ông Phạm Quốc Đạt: Hiện nay, tại Việt Nam đang có nhiều bạn trẻ quan tâm tới khởi nghiệp. Tuy nhiên, các bạn còn thiếu những định hướng đúng đắn để có thể thành công.

Tỷ lệ thất bại còn rất cao và đôi khi các bạn quá tập trung vào ý tưởng mà quên mất kế hoạch phát triển sản phẩm của mình.

Tôi cho rằng khởi nghiệp dành cho tất cả mọi người nhưng điều quan trọng họ phải có sự quyết tâm. Người làm khởi nghiệp phải xác định rằng, nếu đi làm công ăn lương thì bạn chỉ làm 8 tiếng mỗi ngày, còn làm khởi nghiệp thì bắt buộc phải làm 14-16 tiếng mỗi ngày để thành công.

Đó là hành trình vất vả và gian nan, chưa kể kinh tế nước ta đang gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, chúng tôi mở triển lãm khởi nghiệp cũng để hỗ trợ các bạn trẻ có thể mang sản phẩm của mình kiểm nghiệm với thị trường cũng như nhận những phản hồi từ những khách hàng tiềm năng.

- Ông có đề cập đã thiết lập được một số mạng lưới khởi nghiệp ở Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Vậy, ông cho biết Tổ chức HATCH! có khả năng giúp doanh nghiệp Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài được không?

Ông Phạm Quốc Đạt: HATCH! có quan hệ đặc biệt với các đối tác chiến lược tại châu Âu, Mỹ, Canada và một số nước Đông Nam Á. Mục đích cũng là để đưa thêm nhiều “tài nguyên” cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Chúng tôi hiện nay đang có mối quan hệ tốt với Phòng thương mại - công nghiệp Việt Nam, Phòng thương mại châu Âu, Phòng thương mại Canada, Dự án Thung lũng Silicon Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ...

Ngoài ra, còn nhiều đối tác khác nữa chúng tôi đang cùng làm việc tại Mỹ cũng có thể giúp thúc đẩy sự phát triển của khởi nghiệp tại Việt Nam.

Do đó, chúng tôi hoàn toàn có thể hỗ trợ và giúp các bạn kết nối nếu phù hợp. Quan điểm của HATCH! là cố gắng tạo ra các mối quan hệ có lợi và phù hợp nhất cho cả hai bên. Không nhất thiết phải kết nối với các doanh nghiệp ở nước ngoài, chúng tôi tập trung hơn vào sự hỗ trợ kết nối với những công ty nước ngoài có trụ sở hoặc chi nhánh tại Việt Nam.

- Khi kết nối thành công thì các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để thúc đẩy và duy trì quan hệ với đối tác nước ngoài?

Ông Phạm Quốc Đạt: Đôi khi một mối quan hệ đối tác sẽ không đến ngay trực tiếp, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối tác nước ngoài luôn đặt ra những câu hỏi: Tại sao tôi phải hợp tác với anh? Công ty anh có những điểm lợi gì mà tôi đang cần? Tại sao làm việc với anh thì 10 - 15 năm nữa, tôi sẽ là người được hưởng lợi? Vì vậy, các doanh nghiệp Việt cần có một tư duy dài hạn khi triển khai công việc.

Ngoài ra, việc thiết lập quan hệ cá nhân với đối tác nước ngoài cũng rất quan trọng. Để có được mối quan hệ này, các bạn cần phải thẳng thắn chia sẻ, kể cả thành công và thất bại. Có như thế, đối tác nước ngoài mới tin tưởng và yên tâm làm việc với mình.

- Ông có thể chia sẻ về kế hoạch dài hơi triển khai sáng kiến khởi nghiệp?

Ông Phạm Quốc Đạt: Chắc chắn chúng tôi sẽ còn tiếp tục tổ chức lần 2, lần 3 và thậm chí nhiều hơn nữa. Không chỉ vậy, chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy chương trình có thể vào cả Thành phố Hồ Chí Minh và vươn ra nhiều nước khác nữa.

Tuy nhiên, năm 2014 chương trình chắc chắn sẽ có một chút thay đổi để phù hợp hơn. Chúng tôi hy vọng Triển lãm khởi nghiệp sẽ còn là nơi các doanh nghiệp có thể giới thiệu những sản phẩm mới nhất của mình.

Còn về chương trình HATCH! PROGRAM, với khẩu hiệu “START UP A DAY”, tạm dịch theo hai nghĩa là “Bắt đầu một ngày mới” hay “Khởi nghiệp mỗi ngày”, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy được nhiều khởi nghiệp, với nhiều sự sáng tạo hơn nữa.

Và chúng tôi cũng tin rằng thời gian tới sẽ được làm việc với ít nhất 1 doanh nghiệp mỗi ngày để có thể hiểu hơn về thị trường, có thể hỗ trợ nhiều hơn và đóng góp phần nào vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông!