Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện chậm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo "Môi trường kinh doanh 2014" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 29/10 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 99/189 nền kinh tế được khảo sát. Dù có những cải cách nhất định nhưng vẫn chậm hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, các thủ tục về thuế vẫn nhận nhiều lời than phiền từ các doanh nghiệp (DN).

Nhiều chỗ trống cần lấp đầy

Báo cáo của WB cho thấy dù đã thực hiện 21 cải cách từ năm 2005, nhiều nhất trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhưng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam không có nhiều cải thiện. "Việt Nam đã có những cải cách quan trọng trong 9 năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng cần làm nhiều hơn nữa để duy trì năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cần áp dụng những thông lệ quốc tế tốt nhất trong các quy định về hoạt động của DN" - bà Wendy Werner - Giám đốc Chương trình Tư vấn Môi trường Đầu tư khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của IFC - thành viên WB nhận định.

 
  Làm thủc tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng
Làm thủc tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng

Năm 2012, Việt Nam đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư nhờ thắt chặt quy định về công khai thông tin đối với các công ty niêm yết trong trường hợp giao dịch với bên liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng cấp phép thành lập trung tâm thông tin tín dụng tư nhân đầu tiên sau khi ban hành một nghị định năm 2010 tạo khung pháp lý để thành lập những trung tâm thông tin tín dụng loại này. Tuy nhiên, chi phí đóng thuế mà các DN hoạt động tại Việt Nam lại tăng do quy định tăng mức đóng bảo hiểm xã hội đối với người sử dụng lao động.

Nhiều lĩnh vực Việt Nam thực hiện cải cách rất tốt và đạt được thứ hạng cao trong bảng xếp hạng như: Cấp phép xây dựng, vay vốn tín dụng, thực thi hợp đồng… Tuy nhiên, cũng có những lĩnh vực Việt Nam đứng ở vị trí rất thấp so với các nền kinh tế được khảo sát. Đó là khả năng tiếp cận điện năng (đứng thứ 156/189), khả năng bảo vệ nhà đầu tư (157/189), tốc độ xử lý DN mất khả năng hoạt động (149/189).

Theo TS Trần Đình Thiên - Giám đốc Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn vào bảng xếp hạng có thể thấy, có sự cách nhau quá xa giữa vị tri xếp hạng của những lĩnh vực Việt Nam làm tốt và chưa tốt. Ví dụ, có 2 mảng Việt Nam làm tốt là cấp phép xây dựng và tiếp cận tín dụng lần lượt đứng ở mức 29 và 42/189 nền kinh tế. Còn các lĩnh vực ở vị trí xếp hạng thấp như: Mức độ bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, xử lý DN mất khả năng thanh toán luôn đứng ngoài top 100. "Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh vẫn còn rất khấp khểnh. Việt Nam cần lưu ý điều này để biết mình đang trống ở đâu mà tìm cách lấp vào" - ông Thiên nói. 

Mất 1/3 thời gian làm việc để đóng thuế

Một vấn đề được các chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo là vị trí xếp hạng nộp thuế của Việt Nam đang tụt hạng. Chỉ số đóng thuế năm 2013 của Việt Nam đứng ở mức 149/189 nền kinh tế. Số giờ để đóng thuế với một DN chiếm gần 1/3 thời gian làm việc. "Các DN lớn thường có các phòng, ban chuyên làm các thủ tục về thuế. Với DN nhỏ, các thủ tục thuế, thời gian nộp thuế và nhiều loại thuế là một gánh nặng. Có vẻ như gánh nặng về thuế đang đến từ các loại phí và thuế giá trị gia tăng" - bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra ý kiến.Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có cải thiện các vấn đề về lĩnh vực thuế. Tuy nhiên, mức độ cải cách còn chậm nên dù được cảnh báo từ nhiều năm, vẫn xếp hạng thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Mặc dù nhiều thủ tục nộp thuế đã được sửa đổi nhưng đến nay, DN vẫn bị "hành" vì các thủ tục này. Đây là điều rất đáng quan tâm.

Trong khi đó, tại Philippines, quốc gia cùng trong khu vực, việc áp dụng hệ thống kê khai và đóng thuế hoàn toàn trực tuyến đã tạo điều kiện để DN dễ dàng tuân thủ quy định về thuế hơn. Nhờ đó, năm 2013, Philippines được xếp hạng là một trong 10 nền kinh tế đạt được nhiều tiến bộ nhất trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN. Các quy định mới cũng bảo đảm cho người có nhu cầu vay vốn quyền truy cập dữ liệu của mình được lưu trữ tại trung tâm thông tin tín dụng lớn nhất nước.