Tưởng chỉ các “ông trẻ”, “bà trẻ” ra toà mới “ném đá” vào nhau, không ngờ các cụ ông, cụ bà khi ra trước “công đường” vẫn vô tư “tung chưởng” khiến quan toà đôi lúc phải lắc đầu ngao ngán.
Sau hơn 40 năm “vai kề gối ấp”, vào một ngày đẹp trời, hai cụ N. T.N. (SN 1945) và N. H. K (SN 1934) bỗng… dắt nhau ra Toà án nhân dân quận Hoàng Mai (Hà Nội) nằng nặc xin ly hôn.
Sửng sốt, bởi đối tượng đều là những người thuộc tuổi “xưa nay hiếm” nên cán bộ toà án hết sức khuyên giải, nhằm cứu vãn “hạnh phúc đôi lứa”. Không ngờ, đáp lại sự quan tâm đầy vẻ nuối tiếc của quý toà, hai cụ đã không ngớt dùng những từ “kinh dị” để thoá mạ nhau.
Chẳng ai nhịn ai, nguyên đơn là bà N. nằng nặc đòi li hôn vì “ông ấy quá… nhà quê”. Còn ông K, người đã ngoài 70 tuổi lại chua chát: “Nó” đến với tôi không phải vì tình yêu”, rồi “dâng” Hội đồng xét xử một “tấu chương” dài 6 trang giấy A4, kể tội cụ bà, nào là “cưới tôi khi đang yêu một người khác”, và rằng “trong bốn mươi năm chung sống, bà chẳng coi tôi ra cái gì, luôn đối xử tệ bạc với chồng, gia đình nhà chồng và các con”.
Mặc ông nói gì thì nói, không cần tranh luận, cụ bà dựa tấm lưng còm và ngồi cười khẩy. Hàng chục người trẻ gồm con, cháu, chút chít của ông bà chỉ biết há hốc mồm khi thấy hai cụ từng nửa bước có nhau, giờ quay sang “vừa đối đầu, vừa đối thoại”, mắng nhiếc, không hạn chế từ ngữ hòng kể hết tội nhau trước công đường.
Nhiều người đã gục đầu vào lưng người thân, giấu những giọt nước mắt nuối tiếc cho một đại gia đình hạnh phúc kiểu mẫu giờ đang có nguy cơ tan hoang ngay sau khi ông cụ run rẩy, móm mém nói lên nguyện vọng cuối cùng: “Hơn 40 năm qua, bà ấy vẫn coi tôi là người bất tài vô dụng, đối xử với tôi như với một kẻ thù, tôi đã chịu đựng, đến nay tuổi cũng ngoài 70, dù sắp quy tiên tôi cũng không thể trọn nghĩa vợ chồng với bà ấy thêm một ngày nào nữa”.
Phiên tòa kết thúc, hai cụ được tòa án thuận tình cho ly hôn. Căn nhà gần 50m2, nơi an dưỡng tuổi già của hai cụ được chia đôi. Điều này đồng nghĩa với cảnh, từ nay con cháu các cụ không còn thấy hai cụ ngồi bên mâm cơm bón cho nhau từng thìa thức ăn như trước.
Chợt nhớ mình còn… vợ
Không thống nhất quan điểm như hai cụ vừa kể, cụ Đ. T. T. (SN 1934) và bà N. T. L. (SN 1934) lại ra toà trong một hoàn cảnh khác. Đó là sau 40 năm sống ly thân theo kiểu “đường ai người đấy đi, việc ai người đấy làm”, cụ T. bỗng “nhớ ra” mình còn một người vợ, rồi quay về quyết… ly hôn bằng được.
Ngán ngẩm trước quyết định “có trách nhiệm” của cụ ông, nhưng cụ bà vẫn kiên định lập trường, nhất quyết không ly hôn vì “đã tuổi này rồi…” .
Giữa toà, cụ bà cho biết: Từ những năm 1967, ông T. đã qua lại, léng phéng với rất nhiều phụ nữ. Thương con, bà chỉ cắn răng chịu đựng vì “xấu chồng thì hổ ai?”. Những tưởng, đến một ngày nào đó ông T. hiểu ra, gác thói trăng hoa để quay lại với vợ con, không ngờ, càng ngày ông càng “chơi” tới bến.
Sau bốn mươi năm ly thân, ông cũng đã kịp có... vài người con với những cụ bà khác. Riêng với cụ L., ông cũng đã kịp có 5 người con, có người năm nay đã ngoài 50 tuổi.
Với quyết tâm chia tay bằng được, ông T “đề nghị quý toà” bằng giọng ngắt quãng như không còn đủ sức để thở: “Tôi từng ba lần nộp đơn… Lần này, toà phải cho tôi ly hôn bằng mọi giá vì từ lâu tôi và bà ấy đã coi nhau như những người xa lạ”.
Trước câu nói của ông, cụ bà chỉ biết ngước mắt nhìn chủ toạ phiên toà rồi “tung” hết những uất ức đã gánh chịu trong hơn 40 năm qua: “Ông ấy đã qua lại với những người đàn bà khác, lại còn về đòi chia thóc lúa, tôi đã một lòng nuôi các con ăn học khôn lớn, lại phụng dưỡng bố mẹ chồng. Đến nay tình cảm của chúng tôi không còn từ lâu nhưng tôi ko thể chấp nhận ly hôn vì không muốn mang cái tiếng bị chồng bỏ, các con không có bố”.
Luật sư cũng “bó tay”!
Hỏi chuyện các cụ ra toà ly hôn, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội chợt nhớ lại chuyện cũ. Đó là cách đây hơn một năm, anh được thuê để bảo vệ tài sản cho một ông cụ ở quận Hai Bà Trưng khi bị vợ đứng tên đòi ly hôn.
“Bà vợ lúc đó rất căng thẳng. Cụ chỉ muốn được giải quyết nhanh vì không chấp nhận được hành vi … “coi thường tôi” của ông ấy”.
Luật sư phải hỏi mãi, cụ ông mới kể: Hôm đó bà cụ đùa với cháu, vô tình mấy cái răng giả rơi xuống đất. Thấy cảnh đấy, tôi cười, trêu bà ấy thì bị coi là... coi thường bà ấy!”, luật sư này kể lại.
Mặc con cháu đã ra sức khuyên can nhưng sau đó cụ bà vẫn quyết đưa đơn ra tòa. Sau lần hoà giải không thành công, toà án đã xếp lịch để xử vụ ly hôn của hai cụ. Nhưng đến hôm xét xử, cả hội đồng chờ mãi vẫn không thấy cụ nào đến dự toà...
Nguyên nhân, được luật sư trên kể tiếp: “Cách ngày dự toà khoảng 3 hôm, cụ bà đi tập thể dục thì bị trặc chân, ngồi ở vệ đường. Hay tin, cụ ông chống gậy chạy ra, ngồi bên đường bôi dầu cho vợ. Thấy ông lăn lê bò toài dưới đất, cụ bà cảm động, rơi nước mắt, hình như lúc đó... quá khứ ùa về, cụ bà đổi ý, quyết định thôi, không ra toà nữa”.
Chúng tôi không biết có “đôi cụ” nào có “đoạn kết” đẹp như thế này nữa hay không, nhưng khi được nghe những chuyện trên, cứ miên man nghĩ mãi về câu nói “tuổi già là tấm gương cho lớp trẻ”...