Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong lắm những con đường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phần lớn hệ thống đường giao thông chưa được cứng hóa, lại bị xuống cấp nhiều năm nay đã khiến cho việc đi lại và phát triển kinh tế của một số xã miền núi trên địa bàn huyện Sóc Sơn gặp nhiều khó khăn.

Ngã xuống ao vì… đường lầy lội     

     
Đến Bắc Sơn - xã miền núi xa nhất của huyện Sóc Sơn mới thấy được nỗi khổ của người dân nơi đây. Đường trục xã dài hơn 3km gập ghềnh và nát bươm vì không được nâng cấp. Mặt đường loang lổ những "ổ trâu", "ổ voi", có cái khoét đến 2/3 bề rộng đường, nước đọng thành từng vũng. Anh Tạ Văn Nhất, thôn Tiên Chu, ngậm ngùi: "Đường xá lầy lội, mọi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân đều bị cản trở. Trận mưa đầu tháng 8 vừa qua, khi chở cát bằng xe ba bánh về nhà, hai lần do tránh chỗ lầy, tôi bị trật bánh xe lao thẳng xuống ao. May mà người không sao nhưng cát bị trút sạch".
 
Theo đại diện lãnh đạo UBND xã, toàn xã có khoảng 50km đường giao thông nông thôn, trong đó mới chỉ có 4 - 5km đường bê tông thôn xóm, còn lại hầu hết là đường đất. Chất lượng đường kém, cộng với địa hình đồi núi dốc, việc đi lại và mua bán hàng hóa của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
 
Chị Lưu Thị Hữu, thôn Đô Tân cho biết, hàng mua ở nơi khác về thì đắt, nhưng sản phẩm ở xã sản xuất ra lại không bán được. Chẳng hạn, giá gạch xây dựng ở các xã lân cận 920 đồng/viên, nhưng tại Đô Tân chỉ870 đồng/viên dù chất lượng tương đương. "Mỗi bao cám lợn cũng "đội" thêm 5.000 đồng tiền công chở về, mua 30 bao là mất thêm 150.000 đồng. Khổ nhất là các cháu học sinh phải đi học xa mà đường lại khó đi" - chị Hữu tâm sự.
 
Đến năm 2011, toàn thành phố có 2.526km đường trục xã, liên xã, trong đó đã trải nhựa hoặc bê tông đạt 1.816km (71,88%), tuy nhiên, tỉ lệ đạt chuẩn của Bộ GTVT chỉ khoảng 72%. Đường trục thôn, xóm khoảng 2.756km, trong đó 1.710km (61,73%) đã được cứng hóa, tuy nhiên chỉ có 1.000km (58,81%) đạt chuẩn của Bộ GTVT, còn lại chưa đạt chuẩn. Đường ngõ, xóm khoảng 6.876km, trong đó 56,25% đã được bê tông hoá, 43,75% là đường đất và cấp phối. Đường trục chính nội đồng có 5.051,36km, trong đó có 291,18km (5,76%) đã được cứng hoá, xe cơ giới đi lại thuận tiện, còn lại 4.760,17km (94,24%) chưa được cứng hóa. (Đề án xây dựng nông thôn mới Hà Nội giai đoạn 2010 - 2020, định hướng đến năm 2030)

Tương tự, hệ thống đường giao thông của xã Tân Hưng, một trong bảy xã nghèo của huyện này cũng rơi vào tình trạng "quá đát". Nhiều tuyến đường vào các thôn Cốc Lương, Ngô Đạo, Hiệu Chân… của xã Tân Hưng lầy lội và xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết: Toàn xã có 28km đường giao thông nông thôn, trong đó, gần 50% đường đất, chất lượng kém.
 
Mơ về những con đường
 
Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn, không riêng gì Bắc Sơn, Tân Hưng mà nhiều xã miền núi, xã nghèo khác trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn về giao thông. Đường lâu năm, xuống cấp chiếm tỉ lệ lớn. Do đó, có được những con đường khang trang, đi lại thuận tiện là mơ ước của người dân. Tháng 4/2011, UBND TP có QĐ 1352/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư công trình xây dựng và nâng cấp, cải tạo hệ thống đường giao thông ở 7 xã còn hộ nghèo của huyện Sóc Sơn gồm: Bắc Sơn, Nam Sơn, Kim Lũ, Xuân Thu, Việt Long, Tân Hưng, Đức Hòa. Theo đó, từ năm 2011 - 2014 sẽ đầu tư hơn 55 tỉ đồng xây dựng 21 tuyến đường bê tông rộng 2,5 - 3,5m, tổng chiều dài 26km.
 
Tuy nhiên, theo ông Lê Sỹ Minh, Chủ tịch HĐND kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn, con số này còn quá nhỏ so với hệ thống đường giao thông nông thôn ở cấp xã (mỗi xã chỉ được khoảng 3,7km). Hơn nữa thời gian lại kéo dài. Do đó, ông Minh kiến nghị TP, huyện hỗ trợ các xã nghèo sớm hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
 
Mỗi năm ngân sách huyện Sóc Sơn đầu tư cho giao thôngkhoảng 1,5 - 3 tỉ đồng, chỉ đủ hỗ trợ xi măng làm 5 - 10km đường bê tông. "Nếu quay vòng 10 năm cũng chỉ làm được 50 - 70km, chưa thấm vào đâu so với chiều dài hàng trăm cây số đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện" - ông Trần Ngọc Nhất, cán bộ phụ trách hạ tầng kỹ thuật và giao thông, Phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết. Ông Nhất kiến nghị, thành phố hỗ trợ thêm nguồn vốn cho huyện để việc đầu tư mang tính tập trung và hiệu quả hơn. Đồng thời, các địa phương cũng cần kêu gọi người dân tham gia xã hội hóa đường giao thông nông thôn.
 
Toàn huyện Sóc Sơn có khoảng 40km đường do T.Ư quản lý gồm Quốc lộ (QL) 3, QL18, QL Bắc Thăng Long - Nội Bài; 55km đường do Sở GTVT quản lý gồm QL2, QL35, QL16, QL131; 132km đường do huyện quản lý và trên 200km đường do các xã quản lý.