Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm cùng thời gian, số hộ còn gắn bó với nghề hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Máy móc thay thế đôi tay Tỉnh lộ 73 hướng về phía đê sông Hồng dẫn chúng tôi đến với xã Thống Nhất. Dừng chân hỏi một vài cư dân về nghề thổi thủy tinh, ai nấy đều lắc đầu, giờ không còn ai thổi thủy tinh nữa đâu! Chúng tôi được giới thiệu tới thăm phân xưởng sản xuất ống thủy tinh… bằng máy của gia đình anh Tạ Văn Hùng (thôn Giáp Long). Tại khu xưởng nằm ven đường đê, 4 công nhân miệt mài với từng công đoạn sản xuất ống philatop (dùng trong y học). Anh Hùng cho biết, gia đình anh đã 3 thế hệ thổi thủy tinh.
Khoảng 20 năm trước, trên địa bàn xã, rất nhiều hộ cũng tham gia làm nghề. Sản phẩm ngày đó chủ yếu là bóng đèn, ruột phích nước, cốc chén, bình hoa… được người dân không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành trên cả nước ưa chuộng. Tuy nhiên, sau nhiều năm gắn bó, vất vả nhưng lời lãi không là bao, gia đình anh đã từ bỏ việc chế tác các sản phẩm gia dụng thủ công. Thay vào đó, gia đình đầu tư trên 600 triệu đồng mua 2 máy kéo ống thủy tinh để sản xuất ống philatop. Theo anh Hùng, năng suất của 2 máy kéo công nghiệp bằng lao động của khoảng 80 nhân công. Hiện, sản phẩm ống philatop của gia đình anh vẫn được thị trường tiêu thụ tốt. Tuy nhiên, phân xưởng của gia đình anh Hùng chỉ là một trong 3 cơ sở sản xuất đồ thủy tinh còn sót lại ở xã Thống Nhất. Điều đáng nói, cả 3 cơ sở hiện cũng chỉ tập trung vào sản xuất ống philatop bằng máy kéo công nghiệp. Toàn xã không còn hộ nào thổi thủy tinh theo phương thức truyền thống. Nguyên nhân của sự mai một nghề thổi thủy tinh nơi đây cũng giống như nhiều làng nghề mà chúng tôi từng có dịp ghé thăm, đó là vất vả nhưng thu nhập không cao. Nan giải bài toán phục dựng Được biết, thôn Giáp Long từng có nhiều thợ thổi thủy tinh “có nghề” ra Hà Nội mở xưởng trên phố Đê La Thành. Nhưng đến nay thì gần như không còn ai. Anh Nguyễn Văn Dũng là một trong số những người đã từng đưa nghề thổi thủy tinh ở xã Thống Nhất lên… phố. Tuy nhiên, giai đoạn cực thịnh đó đã qua khá lâu. Gần 10 năm nay, anh Dũng về quê, mở xưởng cơ khí mưu sinh. Thực tế, dù áp dụng máy móc vào sản xuất, nhưng để tạo nên một sản phẩm ống thủy tinh philatop vẫn còn một vài công đoạn mà người thợ phải làm thủ công. Tuy nhiên, không mất nhiều công chế tác như những sản phẩm bình hoa, cốc chén… được sản xuất nhiều trong vài chục năm trước. Nhiều người dân khi được hỏi bày tỏ sự tiếc nuối vì làng quê mất đi một nghề truyền thống. Nhưng để tiếp tục với nghề thì quá nhiều khó khăn, từ vốn, nhân công cho tới thị trường tiêu thụ. Ông Tạ Văn Ngừng – Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết, vốn đầu tư là một trở ngại, nhưng rào cản lớn nhất vẫn là đầu ra. Hiện, sản phẩm bằng thủy tinh trên thị trường hầu hết được làm bằng máy móc. Mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá thành cũng rất cạnh tranh, sản phẩm thủy tinh thủ công khó có thể sánh kịp. Ông Ngừng cho rằng, phục dựng lại nghề thổi thủy tinh sẽ là bài toán nan giải. Địa phương đang hướng tới sản xuất các mặt hàng bằng thủy tinh theo phương thức công nghiệp. Để làm được điều này, rất cần các sở, ngành của TP có cơ chế hỗ trợ vốn, kỹ thuật sản xuất và nhất là đầu ra cho sản phẩm, để người dân yên tâm, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất.
Một số công đoạn sản xuất ống thủy tinh vẫn được thực hiện thủ công. |