Tại Asiad lần này, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham dự với 500 thành viên - đông nhất từ trước đến nay. Dù lực lượng hùng hậu, được đầu tư trọng điểm, nhưng đoàn TTVN chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn là giành từ 3 - 5 HCV. Với mục tiêu này, ngành thể thao sẽ có từ 7 - 9 nội dung có thể giành vàng. Để đảm bảo hệ số an toàn và tạo mục tiêu phấn đấu, các nhà quản lý thể thao thường đặt mục tiêu thấp hơn khả năng thực tế. Dẫu vậy, qua vài ngày thi đấu, người ta không khỏi sốt ruột khi niềm hy vọng vàng lần lượt rơi rụng hoặc giành thành tích không mong muốn. Các môn võ đến xe đạp, cử tạ lần lượt xuất trận, cuối cùng đều không giành được HCV. Thất vọng lớn nhất dành cho Ánh Viên, dù không đặt mục tiêu giành vàng nhưng lại có thành tích kém hơn những buổi tập hàng ngày. Vậy là chiến lược đầu tư trọng điểm để Ánh Viên có huy chương Asiad, đã tan theo bọt nước.Trong sự thất vọng ngày một lên cao, tấm huy chương vàng của đội Rowing nữ đã giải tỏa cơn khát cho đoàn TTVN. Nó giúp các nhà quản lý, các vận động viên mũi nhọn còn lại bớt áp lực từ dư luận. Ai cũng biết, thi đấu trong tình trạng áp lực đè nặng rất khó có thể giành thành tích cao về chuyên môn.Từ chuyện TTVN mong manh với giấc mơ tìm vàng Asiad, đến việc các nền thể thao bị đánh giá là kém Việt Nam ở đấu trường SEA Games lại liên tiếp lập công khiến chúng ta phải suy nghĩ về chiến lược hội nhập và đầu tư. Chúng ta có thể rất mạnh ở khu vực nhưng lại đang thiếu những môn thể thao có thứ hạng ổn định ở châu lục. Nếu không thay đổi được thực tế này thì TTVN vẫn sống trong cảm giác phập phồng nỗi lo tìm vàng ở Asiad như hiện tại.