Kinhtedothi - Điện không chỉ là nguồn năng lượng cung cấp cho sinh hoạt mà còn góp phần vận hành sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, nhiều địa phương bày tỏ mong muốn, Nhà nước hỗ trợ nâng cấp hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Sớm nâng cấp lưới điện
Ông Phạm Đức Sinh - Chủ nhiệm HTX Dịch vụ điện Khánh Thượng, huyện Ba Vì chia sẻ, nhu cầu tiêu thụ điện của người dân trên địa bàn xã vào khoảng 15% nên với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ đến năm 2015 là nguồn điện toàn xã sẽ quá tải. Theo ông Sinh, với số dân và nhu cầu tiêu thụ điện của xã hiện nay, cần phải nâng cấp hệ thống lưới điện thêm 600kVA, lên mức 2.000kVA mới đủ đáp ứng. Tương tự tại xã Ba Vì, với 3 trạm biến áp Yên Sơn (công suất 180kVA), Hợp Nhất và Hợp Sơn với công suất 100kVA/trạm, nguồn điện mới cơ bản phục vụ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho người dân, còn sản xuất chưa đáp ứng được. Trong khi đó, toàn xã chỉ có 18ha đất canh tác lúa, thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng sắn, dong riềng, cây thuốc Nam. Bởi vậy, cần thiết phải nâng cấp hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất của người dân.
Cùng với đó, một vấn đề mà nhiều người dân khu vực các xã miền núi băn khoăn là giá điện theo cách tính thang bậc như hiện nay vẫn ở mức cao, dù các hộ thuộc diện nghèo đã được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng.
Tại xã Ba Vì, hộ sử dụng nhiều điện nhất xã cũng chỉ khoảng 300kW/tháng, nhiều hộ chỉ dùng điện khoảng 10.000 - 20.000 đồng/tháng. Tỷ lệ hộ dân có điều kiện sử dụng nhiều thiết bị điện chỉ chiếm khoảng 10 - 15% toàn xã. Tại xã Khánh Thượng cũng xảy ra tương tự, hộ dùng nhiều điện nhất trên toàn xã cũng chỉ hết khoảng 300kW/tháng và chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại đa số các hộ dân chỉ sử dụng khoảng 40 - 70kW/tháng. Ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì chia sẻ, đồng bào trên địa bàn chủ yếu là dân tộc Dao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên các hộ sử dụng điện hết sức tiết kiệm, có hộ chỉ dùng để chiếu sáng và phục vụ nhu cầu thiết yếu nhất. Do vậy, Nhà nước cần tính toán giá sử dụng điện hợp lý cho bà con vùng núi, gặp nhiều khó khăn, giúp người dân nâng cao đời sống.
Tích cực tháo gỡ khó khăn
Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn phục vụ sản xuất và dân sinh là nhu cầu cấp thiết, song hiện nay vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn đòi hỏi cần được sớm tháo gỡ. Ông Nguyễn Doãn Xuân - Chủ tịch UBND xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết, để cải thiện tình trạng thiếu điện, xã đang tiếp tục kiến nghị với Công ty Điện lực Phúc Thọ tiến hành nâng công suất trạm biến áp cũ và xây thêm trạm biến áp cho thôn. Tuy nhiên, việc xây dựng trạm đòi hỏi nguồn vốn lớn và không thể thực hiện trong một sớm, một chiều.
Toàn xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ hiện có 1.800 hộ dân. Theo đúng tiêu chuẩn thì trung bình lưới điện phục vụ sinh hoạt cho người dân phải đảm bảo 1kVA/hộ. Tuy nhiên, xã mới có 4 trạm biến áp với công suất 1.280kVA (chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu) và phải xây mới thêm 2 trạm nữa mới đảm bảo 100% nhu cầu sử dụng điện cho người dân. Là xã vùng bãi nên người dân Vân Phúc chủ yếu là trồng lúa và rau màu với tổng diện tích 260ha, trong đó sản xuất rau 56ha. Lãnh đạo HTX nông nghiệp Vân Phúc bày tỏ, việc người dân khoan giếng, kéo điện từ khu dân cư ra đồng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, xã mong muốn được Sở NN&PTNT đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục kỹ thuật phục vụ sản xuất rau an toàn, đặc biệt là hệ thống trạm điện.
Ông Phùng Văn Hưng - Giám đốc Công ty Điện lực Phúc Thọ cho biết, việc cải tạo lưới điện trung và hạ áp nông thôn hoàn thành sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả và chất lượng điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các hộ phụ tải khu vực nông thôn, giải quyết tối ưu vấn đề quá tải cục bộ. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, Công ty Điện lực Phúc Thọ tiếp tục đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình đường dây và trạm biến áp với tổng số công suất 20.730kVA, số vốn đầu tư 206 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng trạm biến áp tại các xã, công tác GPMB còn dàn trải và gặp không ít khó khăn. Đối với những trạm theo quy hoạch được xây dựng vào diện tích các công trình phúc lợi công cộng, đơn giá GPMB do Nhà nước quy định, công ty không thể tự ý thỏa thuận nên đa số Nhân dân bước đầu khó chấp thuận do giá đền bù thấp.
Rõ ràng, để người dân khu vực ngoại thành có đủ nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới và từng bước nâng cao đời sống, rất cần có sự quan tâm đầu tư và tháo gỡ khó khăn của các cấp, ngành liên quan.
Nhiều hộ chế biến dong riềng ở xã Ba Vì gặp khó khăn vì thiếu điệntrong mùa cao điểm. Ảnh: Thiện Quang
|
Từ năm 2009 - 2013, sau tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, Công ty Điện lực Phúc Thọ đã đầu tư cải tạo, xây dựng mới 44 trạm biến áp với tổng công suất 10.000kVA, số vốn đầu tư 46,3 tỷ đồng. Năm 2014, công ty tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo 5 dự án có tổng số vốn đầu tư 33,3 tỷ đồng với tổng công suất 6.100kVA. |