Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong muốn của người làm giày da thôn Thần

Bài, ảnh: Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không ồn ào, náo nhiệt như nhiều làng nghề khác, làng giày da thôn Thần (xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa) bao lâu nay vẫn lặng lẽ chuyển mình trong thời buổi kinh tế thị trường.

Giày làng Thần sang tận trời Tây
Về thôn Thần vào một ngày Thu nắng vàng trải khắp trên những con đường làng được bê tông sạch sẽ. Những ngôi nhà cao tầng khang trang nối tiếp nhau là minh chứng rõ nhất về cuộc sống sung túc, đủ đầy của người dân nơi đây. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng làng nghề, ông Nguyễn Văn Phóng – Trưởng thôn Thần say sưa kể về lịch sử làng nghề của mình với cảm xúc đầy tự hào. Theo ông Phóng, không ai còn nhớ nghề làm giày da của thôn Thần có từ bao giờ, chỉ biết rằng vào khoảng năm 1925, cụ Nguyễn Văn Tửu hay còn gọi cụ Phú Đức (là người làng) đã truyền dạy cho lớp con cháu và dân làng cách làm giày da. Năm 1930, sản phẩm giày da mang thương hiệu Phú Đức đã tham dự hội chợ tại Pari  tại Cộng hòa Pháp và nhận được 2 Bằng khen.
 Anh Nguyễn Văn Hợp bên gian hàng giới thiệu sản phẩm giày da của gia đình.
Trải qua bao thăng trầm, làng nghề giày da thôn Thần đã có giai đoạn tưởng chừng bị mai một do sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn. Song, từ năm 2000 trở lại đây, nghề giày da ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều người con của làng đi làm ăn phương xa đã trở về quê hương đầu tư vốn, mở xưởng sản xuất giày da. Nhờ có máy móc hỗ trợ mà các chủ xưởng tiết kiệm được thời gian và chi phí lao động đáng kể. Nếu như trước đây, để  hoàn thiện 1 đôi giày theo quy trình hoàn toàn thủ công phải mất 2 ngày thì nay chỉ trong 12 giờ đồng hồ là hoàn chỉnh cả khâu đóng gói thành phẩm. Tuy nhiên, nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ thì bắt buộc vẫn phải làm thủ công như: Bả keo, gắn nơ trang trí, đánh bóng.
Thiếu vốn và mặt bằng sản xuất
Xưởng sản xuất giày da của anh Nguyễn Văn Hợp là một trong những hộ sản xuất, kinh doanh giày da lớn nhất, nhì thôn Thần. Xưởng rộng 1.000m2 với khoảng 50 công nhân làm việc chuyên nghiệp theo dây chuyền khép kín. Anh Hợp chia sẻ, để hoàn thiện một đôi giày phải trải qua gần 20 khâu, song “miêu tả” ngắn gọn thì gồm 2 công đoạn chính là làm đế và làm mũi giày. Kinh nghiệm làm giày da 25 năm giúp cho anh Hợp nhạy bén hơn với thị trường. Anh cũng là người tiên phong trong thôn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất với kinh phí lên đến hàng tỷ đồng. Hiện nay, trung bình mỗi ngày anh Hợp xuất xưởng 1.000 đôi giày, với giá bán dao động từ 200.000 – 400.000 đồng/đôi, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên dưới 500 triệu đồng/năm.
Sản phẩm giày da thôn Thần rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng đảm bảo nên được thị trường ưa chuộng. Chẳng vậy mà người làm giày thôn Thần chưa bao giờ phải lo “đầu ra” cho sản phẩm. Nguyên nhân là bởi hầu hết các xưởng sản xuất vừa bán buôn cho các đại lý giày da trên cả nước vừa nhận gia công theo đơn đặt hàng của các công ty. Hiện nay, cả thôn Thần có 148 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh giày da với 348 lao động làm nghề, chiếm 52% tổng số lao động của thôn. Năm 2015, giá trị sản xuất từ nghề giày da đạt gần 45 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, số hộ khá, giàu ngày một tăng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của làng nghề giày da thôn Thần là thiếu mặt bằng sản xuất. Theo ông Nguyễn Huy Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức, hầu hết các hộ làm nghề phải mở xưởng trên diện tích đất thổ cư chật chội của gia đình. Mặt khác, do quỹ đất của xã hạn hẹp nên hộ nào muốn thuê đất để mở rộng xưởng cũng vô cùng khó khăn. Một trở ngại nữa đối với sự phát triển của làng nghề là thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Đã không ít gia đình phải thế chấp cả "sổ đỏ" vay vốn ngân hàng thương mại để có tiền đầu tư mua máy móc. Do đó, chính quyền và người làm nghề trong xã rất mong các cấp chính quyền TP quan tâm, tạo điều kiện cho làng nghề được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, đặc biệt là cơ chế vốn vay và mặt bằng sản xuất.