Trong thông báo mới được công bố, các chỉ số xếp hạng tín nhiệm của VPBank được Moody’s tiếp tục giữ nguyên ở triển vọng ổn định, bao gồm: chỉ số rủi ro đối tác ở mức Ba3; chỉ số nhà phát hành dài hạn và xếp hạng tiền gửi nội tệ được ở mức B1.
Do tác động từ dịch bệnh Covid-19 kéo theo sự suy thoái kinh tế toàn cầu, trong nửa đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP là 1,81%, mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong một thập kỷ qua. Trong bối cảnh đó, việc Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm với VPBank cho thấy ngân hàng có năng lực tài chính tốt, với những rủi ro phải đối mặt ít hơn quan ngại ban đầu khi dịch bệnh bùng phát và triển vọng phát triển dài hạn ổn định.
Đặc biệt, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có trụ sở tại Mỹ đánh giá cao tiềm lực vốn của VPBank, khả năng sinh lời và hiệu quả hoạt động hơn mức trung bình ngành ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Moody’s nhận định những rủi ro có thể xảy đến với phân khúc tài chính tiêu dùng do ảnh hưởng của Covid-19 đã được VPBank kiểm soát tốt nhờ việc tối ưu bảng cân đối, đảm bảo các tỷ lệ an toàn và tài sản có thanh khoản tốt. Có thể nói, quyết định giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm với VPBank đã phản ánh đúng những nỗ lực duy trì một nền tảng vững chắc, nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững và hiệu quả của ngân hàng.Tính đến cuối quý II/2020, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của VPBank đạt 18.854 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng được ghi nhận là gần 6.600 tỷ đồng, tương đương 64% kế hoạch đặt ra cho cả năm. Song song với hoạt động duy trì tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, các hoạt động kiểm soát rủi ro đã được ngân hàng thực hiện tốt. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank tính đến cuối tháng 6 ở mức 2,71% trong đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm còn 2,07%. VPBank hiện cũng là một trong những ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao nhất trên thị trường. Đến cuối tháng 6/2020, hệ số CAR của VPBank ở ngưỡng trên 11% tính theo tiêu chuẩn Basel II, cao hơn nhiều so với mức 8% được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
Sự thận trọng trong phòng ngừa rủi ro còn được phản ánh ở tỷ lệ tăng chi phí dự phòng của ngân hàng. Trong nửa đầu năm nay, chi phí dự phòng của VPBank - nếu loại trừ khoản chi phí dự phòng cho VAMC trong năm 2019 tăng 8,6% và 30,4% ở ngân hàng riêng lẻ. Chi phí dự phòng cao cho thấy VPBank luôn thận trọng và đủ tiềm lực tài chính phòng ngừa rủi ro có thể phát sinh khi nền kinh tế đang ở giai đoạn khó lường.
Đồng thời, VPBank vẫn củng cố vị thế là một trong những ngân hàng có tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) cao nhất thị trường. Các tỷ lệ này tại thời điểm 30/6/2020 lần lượt là ROE 23,5% và ROA 2,7%.
Với thành công từ những bước đi thận trọng, đúng hướng cùng sự ghi nhận của các tổ chức quốc tế trong đó có Moody’s, VPBank tiếp tục củng cố nền tảng vững chắc cho những mục tiêu phát triển trong tương lai.