Moscow kỳ vọng Brussels khôi phục hội nghị thượng đỉnh Nga - EU

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sẽ khôi phục các hội nghị thượng đỉnh truyền thống giữa hai bên.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass 
"Chúng tôi rất tiếc khi thấy rằng EU chưa sẵn sàng đối thoại với Nga. Tôi xin nhắc lại rằng hội nghị thượng đỉnh Nga - EU được tổ chức hai lần một năm, và đã có 32 cuộc họp được tổ chức theo thể thức này. Hội nghị Nga - EU không chỉ để giải quyết một số vấn đề thực tế nhất định thông qua đàm phán mà còn xác định phương thức quan hệ chiến lược, tất nhiên, đáp ứng lợi ích của cư dân Nga và các nước EU", người phát ngôn Maria Zakharova nói hôm 1/7.
Theo bà Zakharova, thể thức truyền thống của hội nghị thượng đỉnh Nga - EU đã bị đóng băng ở Brussels vào năm 2014 sau một cuộc đảo chính vi hiến ở Ukraine. "Đối với bất kỳ cuộc tiếp xúc chính trị nào, đặc biệt là ở cấp cao nhất, các điều kiện thích hợp phải được tạo ra, một trong số đó là sự hiện diện của ý chí chính trị đối với công việc xây dựng chung, nhưng những tín hiệu mà chúng tôi nhận được gần đây từ Liên minh châu Âu, thật không may, chứng minh cho không có thái độ như vậy", bà Zakharova nói.
Trước đó, tại cuộc họp thượng đỉnh EU hôm 24/6, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên đã bác bỏ đề xuất của Đức và Pháp về việc tái khởi động các cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin sau nhiều năm bị đóng băng.
Thay vào đó, trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo EU cho biết: "Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng, EU cần có sự phối hợp và phản ứng quyết liệt đối với bất kỳ động thái không mang tính tích cực, bất hợp pháp và gây rối nào nữa của Nga".
Liên minh này đồng thời yêu cầu Đại diện cấp cao của Ủy ban về chính sách đối ngoại EU Josep Borrell đề xuất các biện pháp trừng phạt Nga, để các thành viên xem xét trong một số vấn đề như khí hậu và môi trường, y tế, chính sách đối ngoại và an ninh cũng như vấn đề đa phương như thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề Syria và Libya.
Mối quan hệ của EU và Nga xấu đi kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Kể từ thời điểm này, hai bên không tiến hành hội nghị thượng đỉnh.
EU đã đưa ra nhiều lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan vấn đề bán đảo Crimea, trong khi Moscow cũng có nhiều biện pháp đáp trả.