Hạ điểm sàn là hạ chất lượng đầu vào?
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, điểm sàn dưới sẽ có lợi cho những trường top dưới gặp khó khăn trong tuyển sinh, cũng tạo cơ hội cho những thí sinh có năng lực thực sự, nhưng không may đạt kết quả thi thấp và cũng tạo điều kiện cho các trường ĐH được sử dụng hết công suất hiện có, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, khi biết thông tin có hai mức điểm sàn, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bức xúc: "Có điểm sàn trên và có điểm sàn dưới thì khái niệm điểm sàn không còn ý nghĩa. Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định sử dụng khái niệm điểm sàn để xác định một ngưỡng tối thiểu mà mỗi HS phổ thông muốn vào ĐH cần phải có, để có thể theo học ở các trường ĐH. Trong trường hợp logic thì điểm sàn dưới mới chính là điểm sàn, bởi nó là giới hạn cuối cùng, giới hạn thấp nhất có thể chấp nhận". Ông Thi đề nghị, Bộ GD&ĐT thận trọng trong quyết định hạ điểm sàn. Bởi hạ điểm sàn là hạ chất lượng đầu vào, trong khi đây là nội dung đang phải quan tâm hàng đầu. "Tôi không thể tưởng tượng được còn có thể coi đó là ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng không?" - GS Thi đặt câu hỏi.
Phương án 2 mức điểm sàn trong tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã vấp phải sự phản đối của dư luận.Trong ảnh: Thí sinh dự thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2012.Ảnh: Quỳnh Anh
Lãnh đạo nhiều trường ĐH tốp đầu cũng không đồng tình với 2 mức điểm sàn, bởi điểm sàn như mọi năm đã là thấp. GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) phân tích: Với ba môn thi, trong đó có 2 môn thi trắc nghiệm, thí sinh khoanh xác suất các câu hỏi cũng được 25% số điểm. 2 môn thi trắc nghiệm được 5 điểm, cộng với 5 - 6 điểm vẽ đồ thị khảo sát hàm số môn Toán, thí sinh thừa sức đạt 10 - 11 điểm sàn. Không thể vì sự kêu ca của một số trường mà có những động tác không hay. Thực tế cho thấy, các trường ĐH lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn, chất lượng học tập của SV rất thấp.
Hai mức điểm, nhưng chỉ là một
Đại diện nhiều trường ĐH ngoài công lập (NCL) cũng bức xúc trước dự kiến phương án 2 điểm sàn của Bộ. Bởi điểm sàn là ngưỡng cuối cùng, khi đã có sàn mà có thể lấy thấp hơn thì đó không phải là sàn. TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT phân tích: "Nói là hai mức điểm sàn nhưng thực tế chỉ có một. Nhất là khi năm nay tổng chỉ tiêu tăng lên từ 15 - 20% trong khi lượng HS tốt nghiệp THPT còn ít hơn năm ngoái. Và, như mọi năm, dựa vào chỉ tiêu để xác định điểm sàn thì phương án một có khi phải lấy điểm xuống thấp, lúc đó sẽ trùng luôn với việc lấy điểm tổng bình quân từng môn của 3 môn thi của khối thi. Tất nhiên còn phụ thuộc vào đề thi khó, dễ".
"Chỉ nên có một điểm sàn cho đảm bảo chất lượng. Trường nào không đảm bảo thì sẽ phải đóng cửa. Nhiều loại điểm sàn, người ta sẽ xoay ra làm lợi cho người ta ngay". GS.TS Phạm Tất Dong Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt |
Phương án 2 mức điểm sàn cũng không có tác dụng đối với các trường ĐH NCL. Bà Trần Kim Phương, Chủ tịch HĐQT trường CĐ ASEAN cho biết: "Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2013 là 642.657, trong đó riêng các trường công lập số chỉ tiêu lên tới 512.502. Các trường công lập tự xác định số chỉ tiêu nhiều như vậy, thì dù Bộ có đưa ra mức điểm sàn như thế nào thì số thí sinh có mức điểm này sẽ rơi vào các trường này. Như vậy, làm sao còn chỗ cho các trường NCL".
Để giải quyết tạm thời khó khăn tuyển sinh, nhiều chuyên gia cho rằng, ngay từ khi các trường gửi thông tin xác định chỉ tiêu đăng tải ở cuốn cẩm nang tuyển sinh, Bộ GD & ĐT phải kiểm tra, điều chỉnh cho đúng với tiêu chí số SV/1 giảng viên, diện tích sàn/1 SV. Theo GS Đào Trọng Thi, thời gian qua, các trường xác định chỉ tiêu vượt lên đến 10 - 15%, trong khi toàn bộ số chỉ tiêu cho các trường NCL chỉ chiếm 14% tổng quy mô đào tạo. Như vậy, các trường công lập đã tuyển vượt lên và tuyển hết các nguồn tuyển của trường NCL. Ngoài ra, các trường NCL xác định chỉ tiêu vượt mức cho phép, họ kêu là không tuyển được đến 40 - 50% nhưng thực ra chỉ 20 - 30%. "Nếu chúng ta khắc phục bằng cách xác định chỉ tiêu theo đúng tiêu chuẩn, khi nguồn tuyển thiếu thì có thể hạ điểm chuẩn xuống khoảng 0,5 điểm, khi ấy sẽ đảm bảo được chấtlượng đầu vào" - GS Thi quả quyết.