Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng.
Theo dự thảo, việc quản lý đối tượng tiêm chủng sẽ được thực hiện bằng công nghệ thông tin. Lộ trình như sau: Đến ngày 31/12/2018, cơ sở tiêm chủng phải hoàn thiện thí điểm phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng do Bộ Y tế cung cấp. Từ ngày 01/01/2019, cơ sở tiêm chủng phải triển khai chính thức phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng.
Buổi tiêm chủng được tổ chức không quá 50 đối tượng/1 điểm tiêm chủng/1 buổi tiêm chủng. Trong trường hợp điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại vắc xin trong một buổi thì số lượng không quá 100 đối tượng/buổi, bố trí đủ nhân viên y tế để thực hiện khám sàng lọc.
Mỗi cơ sở tiêm chủng được tổ chức từ một đến nhiều điểm tiêm chủng cố định nếu đảm bảo đủ diện tích và nhân lực. Tại mỗi điểm tiêm chủng cần có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên.
Bố trí điểm tiêm chủng bảo đảm theo nguyên tắc một chiều theo thứ tự như sau: Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng → Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → Chỗ ngồi hoặc khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.
Dự thảo yêu cầu phải kiểm tra vắc xin, dung môi trước khi sử dụng và đưa cho người được tiêm chủng hoặc cha, mẹ, người giám hộ của trẻ xem lọ vắc xin trước khi tiêm chủng.
Người được tiêm chủng sẽ được theo dõi ít nhất 30 phút sau tiêm tại cơ sở tiêm chủng.
Cơ sở tiêm chủng có trách nhiệm hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm và các biểu hiện bất thường khác.
Cần đưa ngay đối tượng tiêm chủng tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế nếu sau tiêm chủng có một trong các dấu hiệu như sốt cao (≥39◦C), co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 24 giờ sau tiêm chủng.