Mua bằng… rất nhiều tiền
Mỗi đội bóng có một ngôi sao sáng nhất, một cầu thủ trở thành biểu tượng. Ở ĐT.LA thì cầu thủ nổi tiếng nhất là Việt Thắng. Như Thành nhiều năm qua là chỗ dựa vững chắc nhất, góp phần giúp B.BD đoạt hai chức vô địch. Đức Dương, Quang Huy, Trọng Lộc, Văn Biển là tài sản quý nhất mà bóng đá thành Nam sở hữu. Ấy vậy mà chỉ ngày mai thôi, họ sẽ có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của CLB khác.
Chợ chuyển nhượng mùa này thực sự thách thức, chứ không muốn nói là phá vỡ những quan niệm truyền thống về biểu tượng của một đội bóng. Việt Thắng đến V.NB, Quang Huy, Đức Dương gia nhập XM.HP. Như Thành không còn là người của B.BD nữa. Họ tìm đến những miền đất hứa, nơi đáp ứng được nhu cầu về tiền bạc hơn là nhận mức thu nhập khiêm tốn để trở thành “người hùng”.
Không hề ngạc nhiên khi giai đoạn chuẩn bị của mùa giải chứng kiến nhiều bản hợp đồng “khủng” hơn trước đây. Cầu thủ bây giờ thực dụng hơn và các đội bóng không hề tiếc tiền để thực hiện tham vọng của mình. Không thể thống kê các đội bóng đã đổ bao nhiêu tiền vào thị trường chuyển nhượng. Chỉ có thể nói là rất nhiều, bởi riêng XM.HP đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để hoàn thành giấc mộng “đế vương”.
Thế đa cực
Cách đây vài tháng, khi V.NB và HP.HN giành quyền thăng hạng, nhiều người đã lo cho tương lai của hai đội bóng này. Họ là những đội bóng lắm tiền, giàu tham vọng, nhưng thiếu chiều sâu về lực lượng. Và cả XM.HP nữa, đội bóng ngút trời tham vọng nhưng bị đánh giá là “gã khổng lồ” đi trên đôi chân “đất sét”. Vậy mà chỉ sau vài tháng, V.NB bằng sức mạnh vạn năng của đồng tiền đã chiêu mộ cho mình những cầu thủ đem đến hy vọng ở mùa giải mới. HP.HN âm thầm hơn, nhưng giờ đã có đội ngũ đủ để không trở thành “kẻ lót đường”.
Tất nhiên, phải nhắc đến XM.HP trong cuộc cách mạng lần thứ 3 của mình. Họ đón một loạt tên tuổi mới, mà đa phần là những ngôi sao của V.League. Tất nhiên, ngay cả khi tiêu tốn một lượng tiền lớn thì XM.HP vẫn còn nhiều hạn chế, có thể ảnh hưởng đến tham vọng vô địch. Nhưng chí ít, với quan điểm “mua bằng rất nhiều tiền”, XM.HP trở thành một thế lực đáng gờm ở mùa giải tới. Họ sẽ cùng với T&T HN trở thành đối trọng của những “đại gia” như: B.BD, SHB.ĐN và HAGL.
Giới chuyên môn nhận định rằng, V.League giờ cân bằng hơn về lực lượng, đặc biệt là những ứng viên cho chức vô địch. Trước đây, khi nhắc đến cuộc đua đến ngôi vị số Một người ta thường hướng về miền Nam với những đội bóng lớn như: SHB.ĐN, B.BD, HAGL hay ĐT.LA. Giờ thì cán cân quyền lực đã trở nên cân bằng hơn, có nhiều đội bóng đủ sức tranh đua ngôi vô địch. Sự xuất hiện của những thế lực mới tạo ra sự sôi động và xúc cảm cho thị trường chuyển nhượng. Họ là nhân vật chính tham gia vào những bản hợp đồng tiền tỷ và góp phần thúc đẩy sức cầu, phá tan băng trên thị trường chuyển nhượng. Với những gì đã có, người ta kỳ vọng vào một mùa giải hưng phấn, hấp dẫn, mang đến động lực phát triển cho nền bóng đá.
Chuyển nhượng bằng... quan hệ
V.League 2010 còn chứng kiến sự thay đổi về lực lượng với số lượng lớn, ở tầm vĩ mô. Thể Công mang tên mới Lam Sơn Thanh Hóa. Đội bóng từng được đề nghị bán cho “bầu” Kiên với giá 70 tỷ đồng bỗng chốc được tặng không cho Thanh Hóa nhờ mối quan hệ “đặc biệt hữu hảo”. Trong khi đó, QK4 mang tên mới với hy vọng đổi đời sau thương vụ gần hai chục tỷ đồng với Navibank.
Làn sóng hồi hương
Nếu những năm trước, V-League thường xuyên chứng kiến những làn sóng “di cư”, thì năm nay, đang xuất hiện xu thế ngược lại. Đó là công cuộc hồi hương của khá nhiều tên tuổi, những người sau một thời gian dài chinh chiến xa nhà đã chùn chân mỏi gối.
Cụ thể hơn, SLNA, Thanh Hóa, Nam Định đã đón nhận sự trở lại của hàng loạt “đứa con xa nhà”. Như Nam Định sẽ có Ngọc Tú, Lương Phúc về lại sân Thiên Trường. SLNA còn đón nhiều “người cũ” hơn sau khi HLV Hữu Thắng trở lại ghế thuyền trưởng. Còn Thanh Hóa, dù trải qua cuộc “sát nhập” với Thể Công, những cũng có hàng loạt cựu binh trở về.
Tất nhiên, phải thừa nhận ngay rằng, có sự hồi hương là vì phần lớn không còn được trọng dụng ở đất khách nữa. Trở về với mảnh đất quen thuộc nhằm vãn hồi sự nghiệp chính là giải pháp cứu cánh cho họ.
Tự tin, chủ quan hay ít tham vọng?
Cùng một lúc phải tham dự 4 mặt trận, nên ai cũng thừa hiểu, SHB.ĐN cần một đội quân đông về số lượng, tinh nhuệ về chất lượng mới có thể kham nổi. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khi các đại gia của V.League đều ít nhiều có những bổ sung bằng những cầu thủ có chuyên môn cao thì SHB.ĐN lại không thèm đếm xỉa.
Phải chăng, HLV Lê Huỳnh Đức tự tin với lực lượng hiện tại? SHB.ĐN đủ sức để cáng đáng trên tất cả các mặt trận hay đó là dấu hiệu của đội bóng ít tham vọng? Khó có thể “đọc vị” được cách tính của SHB.ĐN, nhưng có điều, sẽ khó cho Lê Huỳnh Đức thành công trên cả 4 mặt trên với đoàn quân hiện có, khi mà trong đội có khá nhiều cầu thủ trẻ.
Ngoại binh: Vẫn nhân tố cũ
Phải thừa nhận ngay rằng, trong thành công của V-League, đóng góp của ngoại binh là đặc biệt quan trọng. Chính họ là những người làm cho sân cỏ nội hàng tuần xuất hiện nhiều dấu ấn đặc sắc hơn. Dù nội binh vẫn là những người làm nên cái hồn Việt Nam và chiếm đa số trong các cầu thủ ra sân hàng tuần nhưng ngoại binh vẫn được chờ đợi với những hy vọng đặc biệt.
Cũng vì thế, năm ngoái, khi XM.HP đón Denilson tới Lạch Tray hay HAGL mua về tuyển thủ Mỹ Lee Nguyễn, người Việt Nam đã đón nhận thông tin này với sự háo hức chưa từng thấy. Bởi chưa bao giờ, V-League có những ngôi sao tầm cỡ thế giới.
Cũng năm ngoái, khi thông tin từ T&T HN phát ra rằng, BĐVN có thể sẽ đón nhận những siêu sao đương thời như Deco, Guti… rất nhiều người đã chờ đợi V-League sắp có thêm một bước đột phá. Mà suy cho cùng, nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, V-League đích thực sẽ vươn lên tầm Top 10 hay Top 15 châu Á chứ chẳng chơi, bởi ngay cả Trung Quốc, Qatar hay Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chỉ đón được những cái tên “hot” đến thế.
Song, thực tế của V-League 2010 thì chưa như mong đợi. Đến thời điểm này, người ta vẫn chưa thấy thêm bất kỳ tên tuổi lớn nào gia nhập giải đấu hàng đầu Đông Nam Á. Thay vì thế, vẫn chỉ là những nguồn cầu thủ ngoại đến Việt Nam qua các ông bầu quen thuộc, vì thế, chất lượng nếu có tốt thì cũng chỉ như Almeida, Da Silva hay Kesley là cùng. Mà như thế, có thể nói rằng, V-League vẫn chưa có bước đột phá nào mới trên phương diện tuyển dụng ngoại binh - vốn tiêu tốn một lượng ngoại tệ lớn.
Chính xác thì các CLB tại V-League vẫn thực hiện khá nhiều cuộc chuyển nhượng cầu thủ ngoại. Nhưng chủ yếu vẫn là những cái tên quen thuộc, đã thành danh chuyển qua lại từ đội này sang đội khác để hưởng những khoản lót tay hay một phần chênh lệch đáng kể từ lương thưởng. V-League 2010 vì thế vẫn chỉ là cuộc chơi của những nhân tố cũ, thay vì được đón một làn sóng mới.