KTĐT - Sau một năm kể từ ngày Hà Nội ngập chìm trong biển nước, PV có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội xung quanh câu chuyện chống ngập và ngẫm suy về một Hà Nội không còn ngập úng.
Quyết định khó
Ngày xảy ra trận mưa lịch sử, cũng là ngày Cty Thoát nước dự kiến tổ chức lễ tổng kết công tác thoát nước mùa mưa năm 2008. Có điều trớ trêu ở đây?
Thông thường hàng năm mùa mưa bắt đầu từ ngày 15/4 đến 15/10 và mùa khô bắt đầu từ ngày 15/10 đến 15/4 năm sau. Năm 2008, ngày 31/10 diễn ra trận mưa lịch sử với lượng mưa tại nội thành lên đến hơn 600mm và tại Hà Đông là trên 800mm.
Thật ra, từ năm 1984 lại đây, thi thoảng cũng có những trận mưa vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 nhưng lượng mưa không lớn. Còn trận mưa tháng 10/2008 là rất lớn.
Trong trận mưa lịch sử ấy, mực nước tại hồ Yên Sở cứ liên tục phá kỷ lục, luôn có báo động đỏ về nguy cơ ngập trạm điện và tê liệt trạm bơm thoát nước duy nhất của Hà Nội, khi đó các ông đã cứu trạm bơm như thế nào?
Chúng tôi cứu trạm bơm bằng hai cách. Thứ nhất không để nước tràn vào khu vực đặt máy bơm và thứ hai là bằng mọi giá giữ an toàn trạm điện. Với mức nước dâng cứ mỗi giờ lên 1-2 cm đã đẩy căng thẳng lên đến đỉnh điểm. Nếu nước tràn vào trạm bơm, trạm sẽ dừng hoạt động vài ba tháng để bảo dưỡng.
Hơn nữa, nếu ngập trạm điện 6,6 Kv thì sẽ nhiều tai họa có thể xảy ra. Lúc đó nhiều công nhân đang ngâm mình dưới nước để cứu trạm bơm, nếu xảy ra chập, cháy thì hiểm họa sẽ khôn lường. Cũng may cả hai tình huống đó không xảy ra.
Được biết trong lúc nguy ngập nhất, ông đã có sẵn văn bản đề nghị thành phố cho ngừng trạm bơm, chỉ chờ ký đóng dấu?
Khi đó, chúng tôi có báo với Ban Quản lý dự án (QLDA) và Ban QLDA mời chuyên gia tư vấn thiết kế của Nhật Bản xuống thực tế và họ thực sự bị sốc.
Ý kiến về xin tạm ngừng trạm bơm chính là của các chuyên gia Nhật Bản. Họ thấy để đảm bảo an toàn cho trạm bơm thì nên ngừng hoạt động. Còn chúng tôi nói rằng phải xin ý kiến của Thành phố và bằng mọi giá cứu được trạm bơm đảm bảo thoát nước nếu không, Hà Nội sẽ ngập dài ngày.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thành phố, được bổ sung lực lượng thì chúng tôi đã làm được việc này cho dù có thời điểm mức nước mấp mé cầu dao 2,5 cm và chỉ một cơn sóng nhỏ thì hậu quả là khôn lường.
Chuyện gì xảy ra nếu chúng ta thực hiện theo khuyến nghị của chuyên gia Nhật Bản ngừng hoạt động trạm bơm?
Nếu chúng ta ngừng 11 máy bơm lại thì mực nước hồ Yên Sở sẽ dâng lên rất nhanh và khi đó rõ ràng chúng ta không thể chống ngập được cho Thành phố. Hà Nội sẽ ngập trong vài tuần.
Vẫn phải chờ và hy vọng ở... tương lai
Có đúng là sau trận ngập, thành phố đã bồi cả trăm tỷ đồng cho Cty để tăng cường khả năng chống ngập?
Cty được bố trí 9 tỷ đồng chứ không phải cả trăm tỷ đồng để sửa chữa lại những công trình bị hư hỏng do mưa ngập gây ra.
Vậy là 365 ngày qua, hệ thống thoát nước của Hà Nội chưa được tăng cường gì đáng kể?
Sau khi có trận mưa như vậy, việc đầu tiên chúng tôi làm là xây quây lại trạm bơm để bảo vệ trạm bơm. Đến giờ phút này, nếu có trận mưa như cuối năm 2008 thì trạm bơm có thể hoạt động an toàn mà không lo tràn bờ. Thứ hai là chúng tôi nâng cấp đập chắn Thanh Liệt để hạn chế trường hợp nước sông Nhuệ tràn vào Hà Nội.
Thế còn tình hình úng ngập trên toàn địa bàn thành phố liệu có cải thiện gì không nếu lại xảy ra trận mưa tương tự năm 2008?
Thật ra là với trận mưa lớn như năm ngoái thì Hà Nội vẫn ngập. Vì dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I về cơ bản xong, giai đoạn II đang triển khai với mục tiêu 310mm/2 ngày. Tức là tương đương với 70mm/giờ. Với công suất như vậy thì chỉ có vùng của dự án mới có khả năng giải quyết được úng ngập thôi.
Vậy mong muốn hiện nay của ông với tư cách là Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội là gì?
Mưa lịch sử, thiệt hại lịch sử Trận mưa bắt đầu từ đêm 30/10 đến hết ngày 2/11/2008 (3,5 ngày) được coi là lớn nhất trong vòng 35 năm qua tại Hà Nội. Cường độ mưa tại nội thành đạt trên 600mm. Tại Hà Đông là 810mm (kỷ lục trong vòng 48 năm) và tại Thanh Oai là 965mm. Cốt nước tại trạm bơm Yên Sở thời điểm cao nhất là 5,7m ( chiều 1/1/2008).Tổng thiệt hại do mưa lớn gây ra tại Hà Nội trên 3.000 tỷ đồng. |
Thực ra việc giải quyết thoát nước cho Hà Nội còn nhiều bất cập. Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội trong đó mới tập trung thoát nước cho khu vực nội thành. Và đến giờ, Hà Nội mở rộng lên 9 quận và nhiều huyện. Vì thế tôi mong muốn Hà Nội sớm có quy hoạch thoát nước tổng thể để chúng ta có định hướng hoạt động, có phương án xây dựng các dự án theo quy hoạch.
Thành phố đã chi hàng trăm triệu đô la để giải quyết thoát nước, nhưng cứ mỗi khi mưa xuống thì Hà Nội lại ngập. Người dân bức xúc đặt câu hỏi vì sao Thành phố đầu tư nhiều tiền thế mà Hà Nội vẫn ngập mỗi khi mưa lớn?
Tôi nghĩ là trong nhiều năm qua, Hà Nội đã đầu tư nhiều cho công tác thoát nước, tuy nhiên chưa thể đáp ứng được mong muốn của người dân. Vì thế nên khi xảy ra tình trạng úng ngập khiến người dân bức xúc. Chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ điều đó.
Xin cảm ơn ông.