Hẹ còn được gọi là “rau khởi dương”. Theo y học cổ truyền, rau hẹ vị ngọt cay, tính ấm, có công dụng ôn trung bổ hư, điều hòa phủ tạng, bổ thận ích dương. Sau đây là một số cách dùng rau hẹ chữa bệnh:
Chứng tỳ vị hư hàn gây đi lỏng có thể lấy 100g gạo nấu thành cháo loãng rồi cho 60g lá hẹ tươi rửa sạch thái nhỏ vào quấy đều, ăn nóng mỗi ngày một thang, dùng 6 thang liên tục có thể đạt được mục đích kiện tỳ chỉ tả.
Chứng viêm loét dạ dày hành tá tràng, bệnh ung thư thực quản, ung thư dạ dày thuộc thể tỳ vị hư hàn có thể lấy 250g lá hẹ tươi, sinh khương 30g rửa sạch, giã nát, ép lấy nước, hòa với 250ml sữa tươi, đun sôi rồi uống từ từ.
Chứng ho trẻ em: lá hẹ 15g, hoa đu đủ đực 15g, hạt chanh 20 hạt, cho vào bát sạch, giã nát, đem hấp chín với 10ml nước và một chút đường, để nguội, cho trẻ uống 3 lần trong ngày hoặc lấy lá hẹ 15g phối hợp với 10 lá dâu non, cách làm tương tự như trên.
Chứng ợ chua, dùng nước ép lá hẹ 60ml hòa với 250ml sữa bò và 15ml nước gừng tươi, đun sôi, uống nóng. Với trẻ em bị giun kim, ra mồ hôi trộm lấy 30g lá hẹ ép lấy nước uống hoặc dùng làm rau ăn trong ngày.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, rau hẹ có nhiều chất xơ nên có tác dụng kích thích tiêu hóa, thúc đẩy nhu động ruột, phòng chống bệnh táo bón và sâu răng. Chất xơ trong loại rau này còn có khả năng cân bằng các nhóm vi khuẩn đường ruột, giảm thiểu tác động của các chất gây ung thư niêm mạc ruột, dự phòng tích cực bệnh ung thư đại tràng.
Ngoài ra, rau hẹ còn có tác dụng hỗ trợ trị liệu tăng huyết áp và các bệnh cơ tim. Tuy nhiên, rau hẹ khó tiêu nên mỗi lần không ăn quá nhiều. Những người có thể chất âm hư nội nhiệt, hay bị mụn nhọt và mắc các bệnh về mắt thì nên kiêng ăn rau hẹ. Người xưa khuyên không dùng loại rau này ăn cùng với mật ong và thịt bò.