Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 4/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chính sách khuyến khích phát...

Kinhtedothi - Chiều 4/12, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014-2020; Chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề TP Hà Nội; Chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn TP Hà Nội, với 83,2% đại biểu tán thành.

Trước khi được thông qua, các đại biểu HĐND đã tham luận nhiều ý kiến vào Tờ trình của UBND về các chính sách hỗ trợ trên. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ, ĐB Nguyễn Văn Phong (tổ Sóc Sơn) cho biết, cần quy định về mức tối đa đối với các vùng hoa từ 20ha trở lên mới được hưởng chính sách này. Đối với các chính sách trong tờ trình của UBND TP phải tổ chức thực hiện, nên thông qua cấp huyện, như vậy sẽ tập trung hơn.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng ý kiến về chính sách hỗ trợ, ĐB Lê Thị Hà (tổ đại biểu Thanh Oai) tham luận, tại điều 1 phần 3 chính sách hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống lần đầu nên phân loại: Những cây trồng, vật nuôi thì có thể hỗ trợ 1 lần sẽ phù hợp; đối với cây trồng, vật nuôi ngắn ngày thì nên chia thành nhiều lần hỗ trợ. “Đối với ngành nghề nên xem xét mở rộng thêm một số ngành nghề đang có nguy cơ mai một. Về chính sách hỗ trợ đầu tư nước sạch, có một nội dung hỗ trợ bù giá nước sạch cho, đây là một chính sách ưu đãi” - ĐB Hà cho biết.

Trong khi đó, ĐB Phạm Nguyên Nhung (tổ Thanh Trì) chia sẻ, về hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Theo quy định của Bộ NN&PTNT thì không nhất thiết phải quy định cụ thể giống gì. “Đối với huyện Thanh Trì có vùng sản xuất chuyên canh tập trung Duyên Hà, Yên Mỹ, cần áp dụng hỗ trợ chi phí khoan giếng, đào giếng lấy nước tưới như vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung chưa có hệ thống thủy lợi cấp nước tưới cho cây trồng” - ĐB Nhung kiến nghị.

Theo ĐB Nguyễn Đình Chiến (tổ Đông Anh): Đối với việc hỗ trợ làng nghề, trong chính sách hỗ trợ nên có chính sách ưu tiên, quan tâm đến mặt bằng sản xuất nhằm tạo điều kiện phát triển các làng nghề. Trong khi đóm ĐB Vũ Mạnh Hải (tổ Sóc Sơn) tham gia ý kiến về việc hỗ trợ của TP trong nhân cấy nghề tại nông thôn là rất quan trọng, nhưng trong danh mục hỗ trợ lại không có ngành nghề mây tre giang đan. “Nếu theo quy định hỗ trợ từ 3 tháng đến 1 năm để trở thành thợ lành nghề thì rất khó. Vì vậy nên mở rộng thêm ngành nghề trong danh mục, như: Mây tre giang đan, điêu khắc gỗ” - ĐB Hải nhấn mạnh.

ĐB Đỗ Trung Hai (tổ Mỹ Đức), băn khoăn hỗ trợ đào tạo nghề liệu có trùng với các quyết định khác của Chính phủ!? “Ngoài ra, hỗ trợ khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa được logic nên đưa ra một tiêu chí, không nên đi vào quy định cụ thể vì khoa học kỹ thuật phát triển từng ngày, từng giờ. Như vậy sẽ phù hợp hơn” - ĐB Hai chia sẻ.
Làm nón ở làng Chuông.
Làm nón ở làng Chuông.
Giải trình ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt bổ sung thêm: Để thực hiện TP đã phân cấp một số nội dung cho cấp huyện thực hiện, tuy nhiên có một số nội dung cần phải có sự phối hợp.

Trước câu hỏi của Chủ tọa: Trước khi thực hiện chính sách nêu trên, thì việc áp dụng trên cơ sở nào? Và liệu có thể thực hiện được mục tiêu đề ra không?

“Trong các năm vừa qua, HĐND TP đã bố trí kinh phí đề thực hiện các đề án (theo chương trình 02 của Thành ủy). Đề xuất chính sách này nhằm phục vụ cho các vùng mà các vùng này đã nằm trong chương trình đã được phê duyệt” -  Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt giải đáp.

Kết luận phần thảo luận, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu bổ sung những ý kiến, kiến nghị như: Đối với hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua nông sản, khi TP có chủ trương dự trữ thì cho phép hỗ trợ; nên phân cấp cho cấp huyện thực hiện hỗ trợ trên cơ sở cân đối và phân bổ ngân sách hàng năm, thành phố chỉ thực hiện hỗ trợ đối với lĩnh đầu tư, quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn… vào Dự thảo Nghị quyết.

Việc Nghị quyết được thông qua sẽ khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân đầu tư phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo quy định quy hoạch để sản xuất ra nhiều nông sản hàng hóa có giá trị cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần hoàn thành phục tiêu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội.

Đối với làng nghề, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đầu tư sản xuất, xây dựng hạ tầng, phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội nhằm khôi phục, bảo tồn phát triển nghề truyền thống, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển làng nghề bền vững, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch. Đồng thời, cụ thể hóa các chính sách về phát triển nông nghiệp, phát triển làng nghề, đầu tư xây dựng công trình nước sạch nông thôn trung ương đã thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của TP.