KTĐT - Mẹ cần có sự chuẩn bị về tâm lý. Nếu đồng ý rằng thời điểm này, đó là việc nên làm, bạn đừng cảm thấy “tội nghiệp” bé nữa.
Cho bé ti mẹ là điều tuyệt diệu nhất. Bé sẽ cảm nhận được trọn vẹn tình mẫu tử trong tay mẹ ấm áp cùng dòng sữa ngọt ngào. Nhưng ngày vui rồi cũng qua đi, sẽ tới lúc bạn phải giúp bé “cai”, làm sao để sự kiện này ít gây tổn thương nhất?
Không có thời điểm cụ thể cho “sự kiện trọng đại” này. Một số bà mẹ cho con cai sữa vì cảm nhận “đã đến lúc phải cai”. Lại có những bà mẹ cai sữa cho con vì muốn hồi phục vóc dáng, số khác nghĩ rằng “sẽ cho bé ti đến hết sữa thì thôi”, không ngoại trừ trường hợp cai sữa vì bản thân bé không muốn ti mẹ nữa (dù số này rất hiếm).
Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), giai đoạn bú mớm kéo dài 1,5 - 2 năm sẽ tốt cho cả mẹ và bé. Trong 6 tháng đầu đời, nếu được, cho bé ti mẹ hoàn toàn là tốt nhất.
Chuẩn bị tinh thần
Mẹ cần có sự chuẩn bị về tâm lý. Nếu đồng ý rằng thời điểm này, đó là việc nên làm, bạn đừng cảm thấy “tội nghiệp” bé nữa. Nhớ rằng bất cứ sự nhùng nhằng, do dự nào từ phía bạn, bé đều cảm nhận được. Và điều đó sẽ khiến tiến trình cai sữa mất thời gian hơn, khó thực hiện hơn, thậm chí làm bé buồn hơn.
Bởi thế, nếu bạn chưa sẵn sàng, tốt nhất không nên bắt đầu. Một khi đã cai, đừng thương hại bé, hãy đối xử với bé bằng sự thấu hiểu và tôn trọng, nhưng không làm theo mong muốn của bé nếu bé nằng nặc đòi ti. Bé có thể sẽ khóc, hãy để người khác dỗ con giúp bạn.
Một số nguyên tắc cần nhớ
1. Nếu bạn cai sữa cho con và thay thế bằng cách bú bình, hãy nhờ bố hoặc bà của bé mang bình đến cho bé ti. Bé sẽ chấp nhận ti bình dễ hơn nếu không ngửi thấy mùi sữa mẹ gần bên.
2. Nếu bạn quyết định cai sữa cho con khi bé 6 tháng tuổi và chuyển sang dùng sữa công thức, trước hết hãy cho bé làm quen với sữa bằng cách đút thìa.
3. Nếu bé phản ứng “dữ dội” hơn với việc không được ti mẹ và phản đối ti bình, bạn càng cần kiên định. Hãy cho phép bé từ chối bình sữa lúc này, lúc khác đói trở lại, có thể bé sẽ chấp nhận “món ăn thay thế” với thái độ tích cực hơn.
4. Giai đoạn cai sữa, bé cần sự yêu thương, vỗ về của bạn hơn bao giờ hết. Bé cần cảm nhận được rằng mình đang cai ti mẹ chứ không phải “cai” mẹ. Do đó, mỗi đêm khi bé bắt đầu gào khóc cố gắng “thuyết phục” bạn cho ti, hãy bế bé đi dọc phòng, đu đưa, vỗ về bé ngủ. Giúp bé quên “cơn nghiện” bằng cách hướng bé tới những mục tiêu khác như đèn ô tô, đèn đường…
5. Với những bé chỉ ti mẹ vào buổi tối và đêm, công việc cai sữa sẽ dễ dàng hơn nếu bạn nhờ người khác (bố hay bà của mẹ) cho bé ti bình ban đêm.
6. Bé 1 tuổi trở lên không nhất thiết phải ti bình ban đêm nữa. Nếu bạn định cai sữa cho con, sẽ tốt hơn nếu luyện luôn cho bé thói quen ngủ một mạch đến sáng. Tuổi này bé không cần “lót dạ” đêm khuya, ti bình chỉ nên là “giải pháp tâm lý” giúp bé dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Thời điểm không nên cai sữa
Đừng bắt bé ngừng ti mẹ trong đúng những giai đoạn khó khăn như bé ốm, ngày đầu tiên bé đi nhà trẻ. Thời điểm này bé cần được vỗ về lắm, và ti mẹ mang lại cho bé cảm giác an ủi, bình yên.