Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một tấm lòng vì đất nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khu biệt thự của gia đình cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, quả phụ của nhà tư sản Trịnh Văn Bô (từng ủng hộ 5.147 lượng vàng cho cách mạng) nằm trên một góc phố Hoàng Diệu xưa cũ và bình yên, khác hẳn với những biến động gắn với một giai đoạn lịch sử của đất nước mà chủ nhân của nó đã trải qua.

Và những điều mà gia đình bà cũng như nhiều người Hà Nội đã làm gần 70 năm trước trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước, sức mạnh làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945.

Hiến hơn 5.147 lượng vàng cho Cách mạng

Năm nay đã chẵn trăm tuổi, cái tuổi "cực hiếm" xưa nay nhưng trong tâm trí của bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn vẹn nguyên những ký ức đẹp của ngày hôm qua. Theo lời bà kể, chồng bà, ông Trịnh Văn Bô là người con trai út trong gia đình có tiếng giàu có ở đất Hà Nội thời ấy. Thân sinh ông là một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX, cụ Trịnh Phúc Lợi. Chính nhờ người cha đã gây dựng cơ sở kinh doanh mà sau này, hai vợ chồng ông bà đã kế thừa và nhanh chóng phát triển hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi trở thành một thương hiệu nổi tiếng thời bấy giờ bán tơ lụa sang cả Lào, Campuchia, Thái Lan, thậm chí có giao dịch buôn bán với thương nhân Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Cuộc sống sung túc, đủ đầy nhưng vợ chồng bà Minh Hồ không quên lời cha dặn năm xưa, tích cực tham gia làm việc thiện, giúp đỡ những người nghèo khó, mang gạo cứu đói, góp vải may quần áo cho người dân nhiều tỉnh, thành.

 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp đến thăm bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp đến thăm bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Được sự vận động của hai cán bộ Việt Minh là hai anh em Tạ Văn Lưu và Tạ Văn Thực, ngày 14/11/1944, vợ chồng bà cùng người con trai cả chính thức tham gia Việt Minh. Đầu năm 1945, ông bà đã quyết định ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, tương đương 25 cây vàng cho Việt Minh. Sau lần đó, gia đình ông bà còn ủng hộ nhiều lần nữa.

 
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi cả nước vẫn còn hân hoan với niềm vui chiến thắng thì chính quyền công nông non trẻ cũng phải đương đầu với nền kinh tế quốc dân kiệt quệ. Kho bạc T.Ư lúc đó chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương với gần một nửa là tiền rách chờ thu đổi, ngoài ra còn đối mặt với khoản nợ ngắn hạn phải thanh toán lên đến 564 triệu đồng.

 
Ở vào hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập nhằm kêu gọi sự đóng góp của nhân dân cả nước. Trong số này, gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô, giàu nhất nhì Hà thành, đã sẵn lòng dốc tới 90% tài sản ủng hộ chính quyền.
Chuẩn bị cho lễ ra mắt chính quyền mới, ông bà đã tham gia thành lập Quỹ Độc lập, đứng ra vận động các thương gia, nhà tư sản, nhân dân góp tiền bạc ủng hộ chính quyền. Những tấm áo đầu tiên của cán bộ Việt Minh khi từ chiến khu về cũng được chính gia đình ông bà chuẩn bị. Và vải hiệu buôn Phúc Lợi cũng đã được chọn để may áo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ Độc lập. Trong Tuần lễ vàng ủng hộ kháng chiến do Bác Hồ phát động, gia đình ông bà đã không ngần ngại ủng hộ số lượng vàng lớn cho cách mạng, cho kháng chiến… (các tài liệu chính thức của Bộ Tài chính đã ghi nhận, trong thời kỳ tài chính đất nước khó khăn nhất, gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ cho Chính phủ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương lúc bấy giờ).

Nước mắt Ngày độc lập

Dù biết khi đó cách mạng gặp vô vàn khó khăn, nhưng vợ chồng bà có một niềm tin tuyệt đối vào con đường giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ký ức về những ngày tháng được chăm sóc Bác Hồ trong thời kỳ Bác về ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang vẫn còn rõ mồn một trong tâm trí của bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ngôi nhà này của gia đình trở thành cơ sở bí mật, nuôi dưỡng các nhà cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Khuất Duy Tiến…

Bà kể, đúng ngày 24/8/1945 có một vài người khách đến nhà bà một cách bất ngờ. Lúc đó bà cũng không thể ngờ là mình đang được đón tiếp Bác Hồ. Bà chỉ nhớ, trong ba người có một ông cụ với vầng trán rất cao, đôi mắt sáng, đi đôi dép cao su, bận quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, đội chiếc mũ phớt bạc màu. "Đêm nào tôi cũng nghe tiếng máy chữ của ông cụ rất khuya. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn trên phòng của cụ mới tắt, nhưng đồng hồ điểm 5 tiếng, đã thấy cụ dậy tập thể dục ngoài ban công. Những đêm cuối tháng 8, đầu tháng 9, tôi thấy cụ và anh Thận, anh Văn, anh Hoàng Quốc Việt đỏ đèn bàn bạc gì đó đến tận gần sáng mới đi ngủ".

 
Bà Hoàng Thị Minh Hồ và các đại biểu tại buổi tọa đàm về doanh nhân Trịnh Văn Bô.
Bà Hoàng Thị Minh Hồ và các đại biểu tại buổi tọa đàm về doanh nhân Trịnh Văn Bô.
Đến ngày 2/9, bà mới biết "ông cụ" sống trên gác hai nhà mình là Cụ Hồ và tiếng đánh máy hàng đêm là tiếng của tự do, tiếng của độc lập. Bà không khóc mà nước mắt cứ rơi vì quá đỗi hạnh phúc và vui sướng. Ngày hôm đó, tiệm vải Phúc Lợi nhà bà đóng cửa hẳn để cùng dòng người đi khắp các phố phường Hà Nội, hân hoan hòa chung niềm vui của Ngày độc lập.

Tuy nhiên, hòa bình không lâu, thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương. Để chồng toàn tâm toàn ý công tác trong Chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc, bà Minh Hồ dẫn hơn chục thành viên trong gia đình đi tản cư qua khắp vùng Cao Bằng, Phú Thọ… Sau mấy chục năm, nghĩ đến những năm tháng gia đình tham gia hoạt động, bà Hoàng Thị Minh Hồ, vẫn cười đôn hậu và khẳng định: "Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn dốc toàn bộ tiền bạc cho cách mạng…".

 "Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, chúng tôi có đóng góp hết, chúng tôi lại sẽ làm ra. Nhưng độc lập của dân tộc Việt Nam thì không thể nào để mất, vì đó là sự hy sinh của không ít thế hệ mới lấy lại được", câu nói tâm huyết của bà được nhiều thế hệ trong dòng họ Trịnh ghi nhớ. Năm 1955, trở về Hà Nội sau giải phóng, vợ chồng bà cũng không trở về ngôi nhà cũ. Và ngôi nhà 48 phố Hàng Ngang  đã được hiến cho Nhà nước và hiện đang là điểm di tích lịch sử Cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ký ức về một Hà Nội

Ở tuổi 100, bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn giữ nét đẹp của người phụ nữ Hà Nội gốc: Gương mặt phúc hậu, nước da trắng, giọng nói ấm áp và thái độ điềm đạm. Trong ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu (Hà Nội), nơi bà sống cùng gia đình hai người con trai, hai tấm Huân chương Độc lập hạng Nhất được đặt nơi trang trọng nhất. Bà cho hay, đó là phần thưởng cao quý mà Nhà nước dành tặng người chồng quá cố Trịnh Văn Bô và bà vì những đóng góp to lớn cho cách mạng.

 
Gia đình ông Trịnh Văn Bô tham gia vận động Tuần lễ vàng năm 1945 (ảnh tư liệu).
Gia đình ông Trịnh Văn Bô tham gia vận động Tuần lễ vàng năm 1945 (ảnh tư liệu).
Bà kể: Hàng Đào xưa họ Hoàng ở gần hết 4, 5, 6 đời. Đầu phố là nhà cụ Lương Văn Can. Cha tôi là cụ Hoàng Đạo Phương. Cụ Hoàng Đạo Thúy là em, là trò. Họ Hoàng nhà tôi sinh quán Kim Giang, Kim Lũ (quận Hoàng Mai ngày nay) tuy nghèo vật chất nhưng không bao giờ quên truyền thống hiếu học. Bà tâm sự: Tôi ở 21 Hàng Đào, ông Bô ở số 7 Hàng Ngang, chỉ cách khoảng 100m. "Chín chị em gái tôi có hai người lấy chồng Hàng Đường. Tôi và một chị nữa lấy chồng Hàng Ngang (chị ruột của bà là Hoàng Thị Minh Hảo lấy ông Trịnh Văn Bính, người anh ruột của ông Bô, sau này ông Bính là Thứ trưởng Bộ Tài chính).

"Tôi sống với ông Bô từ năm 1932 đến năm 1988 ông mất, chẳng bao giờ to tiếng. Gia phong nền nếp, 7 đứa con tôi thành 14, 18 cháu nội, ngoại, 10 chắt, đứa chắt lớn 25 tuổi vừa lập gia đình" - bà Minh Hồ kể. Con cái bà sau này không ai nối nghiệp làm kinh doanh, nhưng ai cũng trưởng thành, làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Còn bà vẫn là thành viên tích cực tham gia hoạt động mặt trận, phụ nữ dù tuổi cao.

80 năm nay, bà Minh Hồ vẫn giữ thói quen uống trà và có những bí quyết riêng của con gái Hàng Đào trong việc ướp trà. "Tháng giêng ướp chè đầu xuân với hoa thủy tiên, tháng 2 ướp hoa cau, hoa bưởi, tháng 3 ướp lá hoa sói, tháng 4, tháng 5 ướp chè sen...".

Đã tròn trăm tuổi, chứng kiến những biến đổi lớn trong một giai đoạn lịch sử của đất nước nhưng bà Minh Hồ vẫn giữ cho mình, cho gia đình những cốt cách thanh lịch của người Hà Nội, không vương vấn đến tiền bạc hay sự giàu sang. Và mỗi buổi sáng thức dậy, bà Minh Hồ vẫn ngồi thưởng thức hương vị trà do chính mình ướp, để cảm nhận, thời gian dường như đang lắng đọng lại trong ký ức của một cuộc đời, một người đẹp có tấm lòng thiện.

 
Một tấm lòng vì đất nước - Ảnh 1
Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, nguyên quán tại làng Đồng Hoàng, xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là phường Đồng Mai, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Ông là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, quy ra tiền gần gấp đôi ngân khố Chính phủ bấy giờ. Hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi tại số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trước Cách mạng tháng Tám, cũng là nhà riêng của ông bà, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, nơi soạn thảo ra bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông từng làm việc cho Chính phủ và được giao giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội...

Để tỏ lòng biết ơn thế hệ những người đặt viên gạch đầu tiên cho ngành Tài chính Việt Nam, Bộ Tài chính đang lên kế hoạch xuất bản cuốn sách "Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam" nhằm ghi lại lịch sử của một thế hệ doanh nhân đã cống hiến cho dân tộc...