Trước tiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn để bắt đầu dỡ bỏ giãn cách xã hội ở mỗi quốc gia là khác nhau. Theo chuyên gia McKee thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London, đầu tiên, đường cong tử vong phải đi xuống. Thứ hai, tốc độ truyền bệnh phải là từ R1 trở xuống, nghĩa là, trung bình, một người bệnh chỉ có tỉ lệ lây virus Covid-19 cho một người khác. Thứ ba, chính phủ phải có nhiều dữ liệu chính xác, đặc biệt là số ca nhiễm và số lượng người mà họ đã tiếp xúc.
Tại Pháp, chính phủ đưa ra bộ 5 tiêu chuẩn để xem xét dỡ bỏ các lệnh hạn chế và giúp người dân quay lại cuộc sống bình thường. Đó là thứ nhất, đợi tình hình lắng dịu: Chính phủ Pháp đang chờ đến khi nào số bệnh nhân hiện đang được chăm sóc tích cực hồi phục đến một tỉ lệ cho phép. Theo chuyên gia dịch tễ học Antoine Flahault, "tính theo đỉnh dịch là chưa đủ" mà phải là một thời gian sau đó, "khi đã thấy rõ tình hình lắng xuống" nhằm giảm tải cho hệ thống chăm sóc y tế. Thứ hai, cho đến khi chỉ số R0 xuống dưới 1: R0 là tỉ lệ tính trên số lượng người bị lây nhiễm từ một bệnh nhân đã mắc Covid-19 trước đó. Thứ ba, theo dõi được hành trình người nhiễm bệnh với mục đích là để có thể xác định được những người đã từng tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 trước đó. Thứ tư là khi đã có đủ khẩu trang và phương tiện xét nghiệm, giới chức nước này khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang bắt buộc trong lúc này và ngay cả sau khi gỡ phong tỏa. Cuối cùng là từng bước nới lỏng phong tỏa, cách ly bởi gỡ phong tỏa không đồng nghĩa với việc quay lại nhịp sống bình thường ngay lập tức.
Với gần một nửa dân số thế giới chịu các lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội, sau khi đại dịch kết thúc, các chuyên gia cho rằng dù phần lớn thói quen giãn cách xã hội sẽ bị từ bỏ, nhưng một số hành vi và chuẩn mực xã hội sẽ mãi thay đổi. Làm việc ở nhà có thể trở nên phổ biến hơn, đeo khẩu trang có thể là điều bình thường ở những nơi vốn phản đối việc này. Nhiều bài giảng, hội nghị, cuộc họp có thể được tổ chức qua các ứng dụng trực tuyến và việc rửa tay có thể là một thói quen không thể thiếu.
Donald Low– nhà kinh tế học hành vi tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST), nhận định việc yêu cầu người dân làm việc ở nhà và giảm tương tác xã hội tạo "áp lực lớn về nhận thức và hành vi", đòi hỏi họ phải từ bỏ các thói quen vốn có. Theo đó, những thói quen mới, như việc giảng dạy và họp trực tuyến - có thể dễ dàng được áp dụng sau đại dịch. Chuyên gia này cũng khẳng định, đây là bài kiểm tra có tính bền vững nhất về hoạt động làm việc tại nhà, cách ly xã hội, giảng dạy trực tuyến, qua đó một số lợi ích có thể được tận dụng. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên cũng là những thói quen tốt cần được duy trì.