Trong khi đó, công tác quản lý chất lượng, xử phạt những trường hợp đội mũ chỉ mang tính đối phó lại chưa được quan tâm đúng mức.
Mũ dởm tràn lan
Chỉ cần tạt vào bất cứ điểm bán mũ nào trên các tuyến đường của Hà Nội như đường Láng, Chùa Bộc, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám… người ta đều có thể mua được những MBH không đảm bảo chất lượng giá từ 30.000-60.000 đ/chiếc. Các MBH này cấu tạo khá đơn giản gồm lớp nhựa cứng tái chế và dây quai mũ, không có đệm hấp thụ xung động bên trong. Tất cả những loại mũ kém chất lượng đều không dán tem CR, nhãn ghi rõ nơi sản xuất và được nhà sản xuất ghi là "mũ thể thao", "mũ thời trang". Mặc dù, chỉ cần xem nhìn qua ai cũng biết đây là loại MBH kém chất lượng thế nhưng nó vẫn được nhiều người mua. Tại một điểm bán MBH vỉa hè trên phố Nguyễn Thái Học, một bạn trẻ cho biết: Ai cũng biết những loại mũ này không đảm bảo chất lượng nhưng được cái nhẹ nhàng, thời trang và đặc biệt là rẻ tiền nên mất không tiếc. Bọn em dùng MBH loại này chỉ mang tính đối phó với lực lượng chức năng là chính.
Theo những người bán hàng,MBH hợp chuẩn, hợp quy, nhẹ, bền giá phải trên 200.000đồng/chiếc, nên ít người mua. Còn mũ thể thao, mũ thời trang giá rẻ lại được nhiều người chọn mua bởi cảnh sát giao thông chỉ kiểm tra xem có sử dụng mũ hay không. Khi được hỏi về chuyện có sợ các lực lượng chức năng đi kiểm tra chất lượng mũ, người bán trả lời thẳng thừng: Mũ Andess, mũ Protec, Honda… chúng tôi bán theo đúng tiêu chuẩn; Còn mũ thời trang, mũ thể thao đâu phải MBH, nhà sản xuất đã ghi rõ ràng như vậy rồi. Người tiêu dùng thích thì mua đội làm MBH chứ người bán không nói đây là MBH. Một người người bán hàng khác cho biết thêm: Mỗi chiếc MBH kém chất lượng, giá nhập vào chỉ 10.000 - 15.000 đồng/chiếc, với giá bán lẻ như hiện nay mỗi ngày bán được 20 - 30 chiếc họ lãi cả 400.000 - 500.000 đồng là chuyện bình thường.
Lỗ hổng trong quản lý
Sự nhập nhằng trong quy định về chất lượng MBH cũng như những lỗ hổng trong việc siết chặt đầu ra các loại sản phẩm này, nhất là những loại sản phẩm như "mũ thời trang", "mũ thể thao" dẫn đến tình trạng tràn lan các loại mũ đã gây không ít khó khăn cho các ngành chức năng có liên quan.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng: Về vấn đề kiểm tra MBH hợp quy chuẩn chúng tôi phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và đã làm rất tốt. Tuy nhiên, với các loại mũ như "mũ thời trang", "mũ thể thao" thì chịu thua vì nhà sản xuất ghi rõ: Sản phẩm này không dùng thay thế MBH. Vậy chuyện còn lại là của người tiêu dùng. Họ thích họ mua, chứlực lượng chức năng không thể cấm người bán các loại mũ đó vì chưa có một quy định nào đưa ra là bắt buộc phải cấm bán. Việc xử phạt cũng rất khó khăn bởi pháp luật không cấm việc sản xuất, kinh doanh mũ cho... người đi bộ, người đi xe đạp, mũ thời trang hay mũ thể thao... Ngay cả xử phạt người bán càng khó bởi chưa có quy định về điều kiện kinh doanh MBH nên khó kiểm soát các cửa hàng, điểm kinh doanh MBH tự do trên vỉa hè.
Không chỉ lực lượng quản lý thị trường lúng túng trong khâu xử lý mà lực lượng cảnh sát giao thông cũng gặp khó khăn tương tự xử lý các trường hợp không đội MBH hoặc đội không đúng quy cách. Cảnh sát giao thông không có chế tài xử phạt người điều khiển mô tô đội MBH không đạt chất lượng hoặc không đúng kiểu dáng. Trách nhiệm quản lý chất lượng hàng hoá thuộc về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học - Công nghệ).
Để góp phần giải bài toán trên, Bộ Khoa học-Công nghệ đã xây dựng dự thảo Thông tư Quy định việc đảm bảo chất lượng MBH trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại văn bản này vẫn chưa được ban hành. Trong khi chờ có chế tài đủ mạnh trong việc kiểm tra xử lý vấn đề này, tốt nhất người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách mua MBH có chất lượng.