Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lũ, nổ khí gas gây "bão" trong tuần qua

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mời độc giả cùng điểm lại một số thông tin được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Gồng mình chống bão số 3

Trong tuần qua, nhiều sự kiện trong đời sống xã hội liên tiếp diễn ra, được dư luận đặc biệt quan tâm, nổi bật nhất phải kể đến những thông tin cập nhật về cơn bão số 3 cũng như những thiệt hại mà nó gây ra đối với cuộc sống của người dân các tỉnh trong cả nước.

 Bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh, thành từ ngày 16- 19/9, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, dù đã kết thúc nhưng hoàn lưu bão số 3 vẫn tiếp tục gây mưa vừa, mưa to đến rất to tại khu vực Bắc bộ khiến nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề, làm hàng chục người chết và mất tích, ảnh hưởng trầm trọng tới kinh doanh, sản xuất.
Mưa lũ, nổ khí gas gây "bão" trong tuần qua - Ảnh 1
Tính đến 16 giờ ngày 18/9, theo báo cáo nhanh của UBND các huyện: Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Yên Thành  và Thị xã Cửa Lò, mưa lũ đã làm 4 người của Yên Thành, Quế Phong chết, một nhà ở huyện Nghĩa Đàn bị sập, 3 nhà bị đất đá sạt lở vào nhà, một nhà phải di chuyển gấp, 427,61ha lúa bị ngập, đổ, hư hỏng 13 công trình thủy lợi loại nhỏ...   

Theo thông tin từ lãnh đạo huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), sáng 18/9, trên địa bàn, trời đã hết mưa, nước sông đang rút mạnh. Chính quyền và người dân địa phương khẩn trương vào cuộc khắc phục hậu quả lũ lụt. Mặc dù trời hết mưa, nước sông đã rút mạnh, tuy nhiên một số xã vùng hạ Hương Sơn vẫn còn ngập lụt cục bộ. Đến 10h trưa 18/9, vẫn còn 18 hộ dân tại Sơn Phúc, Sơn Tiến bị ngập nước. Một số tuyến đường liên thôn, liên xã tại các xã Sơn Thịnh, Sơn Thủy, Sơn Mai...  bị ngập cục bộ, giao thông đi lại hết sức khó khăn; 43,6ha ngô đông và 110,6ha lúa hè thu bị ngập. .

Hiện lãnh đạo và các ban, ngành huyện Hương Sơn
đã chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt; đồng thời đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 4,5 triệu đồng đối với gia đình có nạn nhân bị chết đuối tại thôn Vọng Sơn, xã Sơn Phú.

Trong các ngày từ 14 đến hết 18/9, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ 200 đến 300mm, một số nơi gần 400mm. Mưa lũ đã làm chết 2 người tại huyện Triệu Sơn, tổng tài sản thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng 198 tỷ đồng. Mưa lũ mấy ngày qua cũng đã khiến các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 217, quốc lộ 15C… qua tỉnh Thanh Hóa bị chia cắt, hư hỏng nặng. Đến sáng 19/9, mưa cơ bản đã chấm dứt tại các địa phương trong tỉnh, tuy nhiên mực nước ở các dòng sông vẫn còn tiếp tục dâng cao khiến nhiều vùng ven sông vẫn ngập lụt. Phương án di dân vẫn được các địa phương như: Thạch Thành, Cầm Thủy, Như Xuân, triển khai… Ngay sau khi tạnh mưa, các ngành liên quan, các địa phương và nông dân đã huy động tối đa nhân lực, vật lực đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa.

Ảnh hưởng của bão số 3, Hà Nội cũng phải chịu những trận mưa lớn khiến nhiều tuyến phố ở trung tâm Thủ đô rơi vào tình trạng ách tắc, ngập sâu. Trong khi đó, thị xã Sơn Tây, do mưa lớn trong đêm 18/9, nước lũ từ núi Ba Vì theo dòng sông Hang đổ về đột ngột làm ngập úng một số diện tích và tuyến đường giao thông thuộc phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, hơn  hơn 40ha lúa đến thời kỳ thu hoạch đang chìm trong biển nước thuộc các tổ dân phố 1, 5, 7, 8.

Cùng với đó, mưa lớn, lũ rừng ngang từ Hòa Bình đổ về khiến nước sông Bùi những ngày qua lên rất nhanh gây ngập úng cục bộ một số thôn, xóm, trường học, đường giao thông thuộc địa bàn thị trấn Xuân Mai, các xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến.

 
Mưa lũ, nổ khí gas gây "bão" trong tuần qua - Ảnh 2
Còn tại TP Hồ Chí Minh, những cơn mưa lớn trên diện rộng kéo dài trong một giờ trong ngày 15 và 19/9 khiến nhiều địa bàn ở TP HCM biến thành sông. Trong đó, đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) ngập sâu, xe chết máy hàng loạt, nước tràn lênh láng vào nhà dân. Cơn mưa lớn nhất năm làm nước tràn vào hầm chung cư Green Hills, nhấn chìm ôtô, xe máy và khiến hàng trăm cư dân phải chịu cảnh mất điện nước.

 Để giải bài toán chống ngập, UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho TP. Trong đó, UBND TP trình Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cho thành phố vay gói 10.000 tỉ đồng, thời hạn vay là 10 năm, với lãi suất 0%/năm. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không đồng ý lãi suất 0%/năm thì thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ phần lãi vay cho TP. Phần vốn còn lại, TP Hồ Chí Minh trông đợi từ nguồn xã hội hóa.

Kinh hoàng vụ chìm tàu do nổ khí gas

Những thông tin dồn dập về vụ việc tàu cá do bà Phạm Thị NGọc (TP Vũng Tàu) làm chủ đang trên hành trình vào bờ thì bình gas phát nổ, tàu bị chìm, 18 thuyền viên bị hất tung xuống biển vào khoảng 3 giờ sáng 16/9 liên tục được các báo cập nhật. Tàu chìm ở vị trí cách Côn Đảo 30 hải lý về hướng Đông Bắc, 18 thuyền viên bị hất tung xuống biển.
Mưa lũ, nổ khí gas gây "bão" trong tuần qua - Ảnh 3
Ngay lập tức, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Riạ - Vũng Tàu đã triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích và tới chiều 19/9, hàng chục người có mặt từ sớm, ngồi vật vã ở bến tàu Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (Vũng Tàu) ngóng chờ thi thể người thân trong vụ chìm tàu do nổ bình gas ở Côn Đảo. 14 giờ chiều 19/9, thi thể 11 thuyền viên cùng 3 người may mắn sống sót được tàu cứu hộ đưa cập cảng, còn lại 4 thuyền viên vẫn mất tích đang được cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm.  Đa số các nạn nhân trên tàu đều là người ở Sóc Trăng. Trong đó, có 7 ngư dân ở chung xóm nghèo ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề.

Hiện nay, tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3 đã rời hiện trường. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo tìm kiếm nạn nhân mất tích vẫn được triển khai với sự chỉ huy của tàu CSB 9001 cùng với 12 tàu cá của ngư dân cùng phối hợp. Theo dự báo, tình hình thời tiết khu vực tàu cá BV97799 TS mấy ngày gần đây đang diễn biến thuận lợi, tin rằng, bốn nạn nhân còn lại của vụ tai nạn sẽ sớm được phát hiện..

 Dù sẽ được đền bù về vật chất, nhưng đối với hàng chục gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ việc trên, nỗi đau mất người thân của họ chưa thể nguôi ngoai. Thậm chí, vụ việc cũng khiến không ít gia đình đang có người thân làm việc trên các tàu cá lại thấp thỏm, lo lắng bởi bình gas vẫn đang được sử dụng trên nhiều tàu cá.