Mua ô tô chạy xe công nghệ mùa dịch: Không có thu nhập, đau đầu trả lãi ngân hàng

Thành Luân/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi toàn TP đang thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, cánh lái xe công nghệ không được hoạt động, xe ô tô nằm "đắp chiếu" nhưng vẫn phải đóng gốc, lãi đều đặn khiến nhiều tài xế kiệt quệ vì phải "gồng gánh" nhiều khoản tiền.

Mất thu nhập, cố xoay trả nợ
Từ thời điểm TP Hà Nội siết chặt các yêu cầu về giãn cách xã hội đã khiến nhiều tài xế rơi vào nỗi lo lớn. Chiếc xe hàng trăm triệu đồng nằm phủ bạt, không lăn bánh, vẫn "ngốn" hàng chục triệu đồng.
Không có nguồn thu nhập trong khi bảo hiểm vẫn thu đủ, bảo hành không gia hạn và đặc biệt hơn là ngân hàng cho vay không có bất cứ hỗ trợ nào cho người dùng, đã khiến cho không ít người mua xe đang rơi vào trạng thái kiệt quệ.
Với những người vay mua xe để sử dụng vẫn có thể trụ được bởi mục đích sử dụng không thiên về thu nhập, thậm chí có nhẹ nhõm bởi gần như không tốn chi phí xăng cộ hay bảo trì bảo dưỡng.
 Nhiều tài xế mất thu nhập do dịch bệnh phải bán xe để trả nợ ngân hàng.
Nhưng với nhóm mua xe để kinh doanh thì gần như đang trong giai đoạn khủng hoảng. Đa phần mua xe chiếm đến 90% số tiền là vay ngân hàng với mức chi trả trung bình từ 10 - 15 triệu cho cả vốn lẫn lời. Đây cũng gần như là tình trạng chung hiện nay khi khối tài sản vài trăm triệu đang nằm yên bất động nhưng vẫn phải trả đúng hạn.
Anh Trần Hoàng Hiệp (41 tuổi, trú tại Thuỵ Phương, Bắc Từ Liêm) chia sẻ, trước đây anh làm công ăn lương cho một công ty kết hợp với vợ bán hàng online thì thu nhập tầm 20 triệu. Sau tính toán kỹ càng, vợ chồng anh quyết định xin gia đình hai bên một ít tiền mua một chiếc xe ô tô để chuyển qua chạy công nghệ thì trung bình một tháng có thể kiếm được 20 - 25 triệu đồng, chưa tính thu nhập của vợ, trừ chi phí xăng xe, ăn uống, trả ngân hàng vẫn còn dư.
Phí trả gốc và lãi trung bình 7 triệu/tháng, anh cố gắng xoay sở vay mượn gia đình vượt qua 2 tháng gần đây do không có thu nhập. Tuy nhiên, đến tháng sau lại đến hạn nộp, nỗi lo của anh Hiệp ngày càng gần hơn.
"Giãn cách tháng đầu tiên tôi còn trả, thanh toán đầy đủ; tháng thứ 2, công việc không có thu nhập, xe để không đành mở lời mượn gia đình, tháng này chưa biết làm sao, bán online thì đơn được đơn không, ngân hàng thì vẫn nhắn tin đều đều, nếu kéo dài thì có lẽ phải bán xe…” - anh Hiệp chia sẻ.
Còn anh Trần Quang Phúc (28 tuổi, trú tại Đại Mỗ, Hà Đông) cho biết, hồi tháng 7 năm ngoái anh có vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua ôtô chạy Grab mưu sinh. Lãi suất cho vay thời điểm đó là 9,7%/năm. Ngay sau khi hết thời hạn mà ngân hàng nói ưu đãi, lãi suất tăng lên 12,7%/năm.
Với lãi suất lớn, trong khi mấy tháng trở lại đây xe của anh "đắp chiếu" chưa biết đến khi nào được sử dụng; tiền để mua thực phẩm trang trải cho gia đình cũng phải "cân đo đong đếm". Mỗi khi nhận được tin báo từ ngân hàng đòi trả nợ lại khiến anh Phúc như "ngồi trên đống lửa".
"Tôi đã đề nghị ngân hàng giảm lãi nhưng không được chấp thuận vì ngân hàng cho tôi vay tiêu dùng chứ không phải vay chạy Grab. Vì vậy không thể lấy lý do này để đề nghị giảm lãi hay cơ cấu nợ, giãn nợ" - anh Phúc nói.
Anh Phúc hay anh Hiệp đều mong mỏi ngân hàng hạ lãi suất cho vay và gia hạn trả nợ cho khách hàng, nhất là những người vay mua xe chạy Grab để mưu sinh như anh. Thời này dịch bệnh bùng phát, không được ra đường do đang thực hiện giãn cách là trường hợp bất khả kháng chứ không phải nguyên nhân chủ quan của khách hàng.
Có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ
Mới đây, ngày 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 14, theo đó các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính. Ngoài ra các ngân hàng cũng được cơ cấu lại các khoản phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 30/6/2022.
Theo ông Đinh Ngọc Tuấn, chuyên gia kinh tế Công ty TNHH Kiểm toán Định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam (Facom) phân tích, Thông tư 14 chủ yếu quy định về khoảng thời gian các ngân hàng được cơ cấu nợ và không giới hạn cụ thể đối tượng, mục đích vay, do vậy sẽ tùy ở quyết định của các ngân hàng.
"Do vậy người vay nên đọc kỹ quy định của thông tư này, nếu thuộc diện theo quy định thì có thể làm đơn đề nghị gửi đến ngân hàng cho vay. Trường hợp bị từ chối, người vay có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước" - Ông Tuấn cho hay.
Các ứng dụng cũng có tung ra chính sách hỗ trợ cho tài xế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, Grab và Be cho phép tài xế chuyển từ xe 4 bánh sang chạy xe 2 bánh để có thu nhập trong thời gian tạm dừng GrabCar và BeCar.
Cụ thể, với tài xế từ ô tô sang chạy xe 2 bánh, Be có chương trình hỗ trợ đảm bảo doanh thu khoảng 5 triệu đồng/tháng, làm việc với các ngân hàng để giảm nợ các khoản vay của tài xế mua ô tô để chạy dịch vụ. Với tài xế chạy xe 4 bánh của Grab, chưa có thông tin của hãng về hỗ trợ những khoản vay cho tài xế.
Với tài xế xe 2 bánh Be hỗ trợ khẩn cấp để giúp tài xế khó khăn, trong khu cách ly với ngân sách 3 - 10 triệu đồng/người. Grab hỗ trợ 100% khoản phí phạt hành chính, tối đa 2 triệu đồng/trường hợp nếu tài xế thực hiện đúng quy định giao nhận hàng nhưng vẫn bị phạt...
Mới đây, Gojek công bố ra mắt quỹ tiền mặt 4,15 tỷ đồng để hỗ trợ hàng chục nghìn đối tác tài xế tại Việt Nam. Khoản hỗ trợ tiền mặt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng được chuyển trực tiếp vào ví điện tử của những đối tác tài xế có hoạt động trên nền tảng Gojek trước thời gian giãn cách xã hội tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Việc phân bổ quỹ tiền mặt dựa trên tình trạng kinh tế của tài xế thuộc diện được hỗ trợ. Các đối tác tại Hà Nội nhận được số tiền hỗ trợ cao hơn do dịch vụ tạm ngừng hoạt động trong thời gian dài. Các đối tác tài xế trên 55 tuổi - những người gặp trở ngại kinh tế cao hơn - nhận được 400.000 đồng (tại Hà Nội) và 350.000 đồng (tại TP.HCM). Tất cả đối tác tài xế đủ điều kiện khác sẽ nhận được khoản hỗ trợ tùy thuộc địa bàn và tình trạng kinh tế.
"Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, từ tháng 4/2020, Grab đã đề xuất một số ngân hàng xem xét giãn nợ, giảm lãi suất cho đối tác GrabCar. Rất mong sớm khống chế được dịch, mở lại các hoạt động kinh tế, trong đó có các dịch vụ như GrabCar, GrabBike theo lộ trình đảm bảo an toàn" - đại diện Grab cho biết.
"Vì lợi ích chung của đất nước là cùng chung tay sớm đưa đất nước vượt qua đại dịch, khôi phục và phát triển kinh tế, ngân hàng nên có chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn nợ cho khách hàng, trong đó có các tài xế công nghệ đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" - ông Đinh Ngọc Tuấn - chuyên gia kinh tế Công ty TNHH Kiểm toán Định giá và Tư vấn Tài chính Việt Nam (Facom).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần