Mùa vàng trên non xanh Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng hạt lúa rẫy vàng tươi được tuốt bằng tay, cho vào gùi rồi mang về nhà để phơi khô, xay giã, dần sàng. Trải qua hàng trăm năm, hạt lúa trồng nơi sườn đồi, núi cheo leo, được tạo thành từ tinh túy của đất trời cứ thế được gìn giữ và nuôi sống qua bao thế hệ đồng bào vùng cao.

Lên non hái lúa
Sáng sớm, bà Hồ Thị Lý (xã Hương Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) đã mang gùi rời khỏi nhà. Hôm nay, bà thu hoạch đám lúa rẫy đã chín vàng. Với chiếc gùi mang sau lưng, bà Lý thoăn thoắt băng lên con dốc cao để đến rẫy. Dừng chân nghỉ chơi sau chặng đường dài, ngắm nghía những bông lúa trĩu nặng, hạt căng mẩy, bà Lý rất hài lòng.
 Người dân thu hoạch lúa rẫy.
“Năm nay, mặc dù mưa bão liên tục nhưng lúa rẫy xanh tốt lắm, hạt to. Nhà nào cũng có nhiều lúa. Năm nay không sợ cái đói nữa”, bà Lý cười tươi.
Gia đình bà Lý đã bắt đầu thu hoạch lúa vào 2 ngày trước đó. Những bông chín vàng được ưu tiên tuốt trước, chừa lại những bông còn xanh cho ngày sau. Đôi tay bà Lý liên tục làm việc, chiếc gùi đeo bên hông dần được lấp đầy.
Sườn núi nơi bà Lý đang tuốt lúa, còn có nhiều đồng bào người Cor khác đang thu hoạch, vừa làm vừa rôm rả trò chuyện. Năm nay, lúa được mùa nên bà con ai cũng phấn khởi. Tiếng cười nói làm xôn xao cả một góc trời.
 Gùi lúa đầy được đổ vào bao để chở về nhà.
Theo một số già làng ở thôn Trà Huynh (xã Hương Trà, huyện Trà Bồng), trước khi gieo hạt lúa rẫy, đồng bào sẽ làm lễ cúng để cầu xin thần linh ban cho mùa màng tốt tươi, con chim, con chuột không phá hoại cây lúa của dân làng.
Khi lúa chín chuyển màu vàng óng trên khắp các triền đồi, báo hiệu mùa thu hoạch đã đến, bà con tuốt vài nắm về giã gạo nấu cơm, chọn ngày “tốt” làm lễ cúng mừng lúa mới mời hàng xóm láng giềng đến chung vui bữa cơm đầu mùa rồi mới tuốt lúa đại trà.
Những ngày đầu đông, đến huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), không khó để bắt gặp cảnh những rẫy lúa vàng ươm nằm giữa màu xanh trùng điệp của dãy Trường Sơn hùng vĩ.
 Rẫy lúa vàng ươm nằm ở sườn núi.
Lâu nay, người Cor vẫn giữ nghề trồng lúa rẫy truyền thống trên những triền đồi, núi dốc. Hằng năm, tầm tháng 3 dương lịch, người dân bắt đầu đốt rẫy và đến tháng 4-5 bắt đầu gieo hạt, đàn ông đi trước chọc lỗ, đàn bà đi sau bỏ hạt rồi lấp lại. Đến tầm tháng 10-11 bắt đầu thu hoạch. Năng suất lúa rẫy đạt từ 1,2-1,4 tạ/sào (500m2/sào), bằng khoảng 1/4 so với lúa nước trồng ở đồng bằng. Huyện Trà Bồng là nơi có diện tích trồng lúa rẫy lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi với diện tích trồng trung bình hằng năm khoảng 400 - 500 ha.
Gìn giữ truyền thống
Khác với lúa nước ở đồng bằng, lúa rẫy sinh trưởng và phát triển theo lẽ tự nhiên của đất trời, không hề sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu. Vì vậy, sản lượng tuy không cao nhưng chất lượng gạo thì rất ngon, khi nấu chín hạt gạo sẽ nở to, dẻo, có vị ngọt, bùi, mùi thơm ngát rất đặc trưng của sản vật núi rừng. Vậy nên, lúa rẫy được xem là đặc sản “sạch” của đồng bào thiểu số ở các huyện miền núi Quảng Ngãi, trong đó có Trà Bồng.
 Người đồng bào dùng tay tuốt từng bông lúa chín.
Điểm đặc biệt của nghề trồng lúa rẫy vùng cao Quảng Ngãi không chỉ ở phương thức canh tác mà còn ở việc thu hoạch. Không sử dụng máy móc hoặc bất cứ phương tiện nào, lúa rẫy được thu hoạch hoàn toàn bằng tay. Người đồng bào quan niệm, dùng dao hay liềm để cắt, sẽ làm đau những bông lúa. 
Từ xa xưa, ở các huyện miền núi đã có truyền thống sản xuất lúa rẫy. Không đơn thuần là cây lương thực để duy trì cuộc sống, lúa rẫy còn ẩn chứa một nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao. Đặc biệt, trong các dịp đặc biệt như lễ hội, cúng, giỗ, cơm lúa rẫy hay các loại bánh truyền thống làm từ nguyên liệu này là món ẩm thực dâng cúng không thể thiếu, thông báo đến thần linh, ông bà tổ tiên về một vụ mùa ấm no, hạnh phúc. Ngược lại, mâm cúng sẽ mất đi hồn riêng trong đời sống hằng ngày nếu không có sự hiện diện của lúa rẫy. 
 Lúa rẫy vừa thu hoạch xong.
“Giữ cây lúa rẫy cũng là giữ linh hồn của người Cor, những ai là con cháu người Cor phải có trách nhiệm giữ loại cây trồng truyền thống này. Chính từ những giá trị truyền thống và sự cần thiết trong đời sống sinh hoạt văn hóa hằng ngày, mỗi nóc nhà ở huyện vùng cao, dù ít nhiều các hộ đều trồng để có giống duy trì cho các vụ sau”, ông Hồ Văn Yên-Bí thư xã Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) chia sẻ.
Có dịp dừng chân ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi, nhiều người thích thú với bữa cơm được nấu từ lúa rẫy. Nhai từng hạt cơm mang sắc đỏ, mẩy tròn, thơm bùi mà như nghe được câu chuyện về thần sông, thần núi và âm thanh của núi rừng đại ngàn.
“Lúa rẫy được xem là một đặc sản đặc trưng của huyện vùng cao, không thể xóa bỏ. Lúa rẫy đang được khuyến khích trồng xen kẽ trên diện tích đất sản xuất cây hàng năm để bảo tồn giống quý. Định hướng của huyện là sẽ phát triển lúa rẫy thành sản phẩm nông sản mang đặc trưng riêng của địa phương”, bà Huỳnh Thị Thanh Thúy- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Bồng cho biết.