Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa xây dựng: Đỏ mắt tìm thợ hồ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Không chỉ các gia chủ cần xây nhà mới khốn khổ vì thiếu thợ. Giới cai thầu xây dựng cũng “thiếu nước muốn điên” vì tìm đỏ mắt không đủ người làm.

KTĐT - Không chỉ các gia chủ cần xây nhà mới khốn khổ vì thiếu thợ. Giới cai thầu xây dựng cũng “thiếu nước muốn điên” vì tìm đỏ mắt không đủ người làm.

Mùa xây dựng, sửa chữa nhà cửa cuối năm không chỉ khiến thị trường vật liệu nóng sốt mà còn gây căng thẳng thị trường lao động. Thợ hồ trở nên đắt giá, vừa thoải mái “hét” giá cao lại vừa được dịp “kén” gia chủ “biết điều”.

“Thợ hồ thời nay “chảnh” lắm, mình về quê tìm người, họ còn suy nghĩ chán chê, tiền nhân công họ tự quyết định, không đến lượt mình thoả thuận”, một cai thầu cho biết.
 
Khổ vì chờ thợ 

Mô tả ảnh.

Cuối năm gia chủ vừa phải trả giá cao vừa phải biết chiều thợ mới mong hoàn thành tiến độ - Ảnh Thi Mai

Năm hết Tết đến tới nơi nhưng anh Đức ngụ tại ngõ Văn Chương, Hà Nội vẫn chưa thể dọn về nhà mới. Khởi công từ tháng 6 đến giữa tháng 10, nhà anh đã hoàn tất phần thô. Anh dự tính chỉ mất chừng một tháng nữa để “điền thêm” các thiết bị nội thất và sơn nhà nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện được 50%.

 “Cầu thang gỗ lẽ ra phải xong từ hai tháng trước, gỗ vứt mốc meo giữa nhà nhưng không có thợ làm”, anh Đức than phiền.

Nhà tắm cũng trong tình trạng hoàn thiện một nửa vì chờ thợ. Đội thợ nhà anh vốn ít người nhưng vẫn cố tình nhận liền một lúc 4-5 công trình. Do phải “trải người” ra mấy nhà trong một thời điểm nên có nhiều hôm chủ nhà “ngồi ngáp” chờ thợ cả ngày mà chả thấy đâu.

Sửa nhà với thời gian lâu kỷ lục vì chờ thợ cũng là câu chuyện bực mình của  vợ chồng chị Cầm Thi, tại Lê Đại Hành. Chỉ làm lại khu bếp tầng 1 và sửa sang nội thất nhưng 4 tháng nay nhà chị lúc nào cũng như một công trường ngổn ngang.

“Nay họ đòi về quê ăn giỗ, mai đòi về ăn cưới mà mỗi lần nghỉ là ở lì tại quê cả tuần mới lên, chẳng cần biết mình sốt ruột thế nào”, chị Thi phàn nàn.

Chỉ sửa nhà dù sao cũng còn đỡ, xây mới vào thời điểm cuối năm mới thực sự… bất khả thi. Anh Đặng Đức Giang ở Gia Lâm mất gần tháng trời mới tìm ra được đội thợ ưng ý. Nhờ người quen giới thiệu anh mới chốt được mức giá 750.000 đ/m2.

Nhưng vừa đồng ý hôm trước, hôm sau cai thầu đã gọi điện lại báo không có người làm. Đến nước này, anh Giang đành phải cầu viện người nhà tìm giúp một đội thợ dưới quê. Mãi rồi anh cũng có thợ, giá rẻ hơn 100.000 đ/m2 nhưng ngoài việc phải lo cho chỗ ăn, ở, anh phải thuê hết các vật dụng như dàn giáo, cốp pha, xà gồ… khiến chi phí phát sinh đội lên rất nhiều.

Xui xẻo hơn anh Giang, anh Nguyễn Đình Thi ở đường Hồng Hà đã tìm được một đội thợ xây trọn gói nhà cấp bốn (trừ lăn sơn và làm mái nhà) với giá 25 triệu đồng. Hai bên đã hợp đồng xong xuôi nhưng đến ngày động thổ chẳng thấy tăm hơi thợ xây đâu, gọi điện mãi mới được một câu trả lời: thông cảm tìm mối khác vì không có người làm.

Không chỉ các gia chủ cần xây nhà mới khốn khổ vì thiếu thợ. Giới cai thầu xây dựng cũng “thiếu nước muốn điên” vì tìm đỏ mắt không đủ người làm. “Tôi đã phải nhờ người quen, thậm chí cả các “đệ ruột” đang làm về quê tìm người giúp mà cũng khó, kể cả trả giá nhân công theo ngày lên tới 150.000đ cũng kiếm không ra”, một cai thầu cho hay.

Giá cao vẫn chảnh

Mô tả ảnh.
Nhiều thợ hồ chán nghề dù thu nhập khá cao - Ảnh Thi Mai

Khan hiếm thợ hồ nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán là một thực tế “đến hẹn lại lên”.  Vì ngoài các công trình đang xây dựng, rất nhiều công ty, nhà hàng, khách sạn, nhà dân nếu không làm mới cũng có nhu cầu sửa sang lại đón Tết.

Do vậy, giá nhân công tăng đều đặn theo tốc độ… bóc lịch. Chỉ so với 2 tháng trước đây, giá công xây dựng đã lên 300.000 đ/m2, đẩy giá hiện tại tới ngưỡng xấp xỉ 1 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý là thợ hồ có xu hướng chọn việc sửa nhà hơn là công trình xây mới vì “dễ ăn” hơn. Là một thợ cả trong nghề lâu năm, anh Thoán ở cánh thợ Bắc Ninh thổ lộ, đầu năm chỉ nhận công trình vừa đủ, không kéo dài  để cuối năm còn “chạy sô” các nơi sửa chữa.

“Nhà sửa bao giờ cũng nhanh mà lại cận ngày nên gia chủ luôn chấp nhận giá cao. Có nhà chỉ yêu cầu róc vỏ tường, trát lại và đổ vữa thừa đi cũng trả tới 20 triệu đồng. Nhóm chúng tôi chỉ làm trong 4 ngày mà kiếm nhiều tiền hơn xây nhà”, anh Thoán tiết lộ.

Bốn tháng trước, giá của đội thợ anh Thoán đã là 700.000 đ/m2 ở những vùng ven đô và 900.000 đ/ m2 trong nội thành. “Giờ mà nhận làm thì giá còn cao hơn nhiều nhưng chúng tôi cũng đã kín lịch cách đây hai tháng rồi”, anh Thoán tiếc rẻ.

Anh Học, cánh thợ Vĩnh Yên cũng cho biết, thời điểm này nhiều việc vô kể không có sức mà nhận, chỉ trường hợp quen biết, nể nang mới làm. Chỉ trong tháng 12 vừa rồi, nhóm anh Học đã từ chối hơn 10 công trình dù được trả hơn 1 triệu đ/m2.

Anh Phôn, cai thầu xây dựng than thở, thợ hồ thời nay “chảnh” lắm, về quê tìm người, họ còn suy nghĩ chán chê, tiền nhân công tự quyết định, không đến lượt mình thoả thuận. Hiện anh Phôn đang trả công thợ trung bình 150.000 đ/người/ngày nhưng cũng có khi phải chấp nhận mức cao hơn.

“Có thợ sau khi đòi 160.000 đ/ngày còn bảo với tôi “là anh nể chú nên mới làm, chứ việc anh không thiếu”, anh Phôn cho biết.

Không chỉ đòi giá cao, thợ hồ cuối năm còn có “vị thế” ra nhiều điều kiện với chủ thầu và gia chủ. Nhiều cánh thợ dù mới nhận làm công trình nhưng đã yêu cầu chủ nhà phải thêm các khoản tiền bồi dưỡng cho những ngày làm vất vả những công việc phát sinh như chuyển vật liệu xây dựng...

Ngoài tiền công, cai thầu mỗi tháng phải vài ba lần tổ chức ăn tươi, nhậu nhẹt cho thợ để tăng thêm “hào khí” làm việc.

Có cai thầu cho biết, những công trình chủ thầu lo luôn cả vật liệu xây dựng thì càng phải  đối đãi với thợ cẩn thận vì chỉ cần họ phung phí cũng khiến chủ thầu “lõm” khối tiền. Chưa kể, chỉ cần nhập nhèm giữa thợ xây của các công trình “tuồn” cho nhau bao xi măng hay cây thép... thế cũng tổn hại không nhỏ.

Ông Công – chủ căn nhà đang xây nhà ở Đông Ngàn, Đông Anh nói vui, thợ hồ thời nay thật có giá, chủ nhà vừa phải trả tiền công lại vừa phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” để họ làm nhiệt tình, cẩn thận hơn.

Để giảm thiểu những rủi ro về nhân công, tốt nhất ai đang có ý định xây, sửa cần có kế hoạch xây dựng từ đầu năm để có thời gian tìm thợ ưng ý.  Một “mánh nhỏ” của những gia chủ đã xây nhà cho biết thêm “chỉ tạm ứng cho thợ đủ tiền ăn, có thêm cũng rất ít, đợi khi hoàn thành mới thanh toán hết, đề phòng họ nhận công trình nơi khác rồi “chầy bửa” nhà mình vì đã cầm tiền”.

Thợ hồ chán nghề

Dù nghề thợ hồ đang có thu nhập khá tốt, đặc biệt đắt giá vào cuối năm nhưng trong mắt chính những người thợ hồ thì nghề này đang… mất giá.

Hiện thu nhập của một thợ xây trung bình từ 4-6 triệu đồng/tháng nhưng số lượng nhân công ngày càng khan hiếm so với nhu cầu thị trường.

Lý do theo anh Phát, thợ xây của cánh thợ Vĩnh Yên là “nghề này vất vả, lại không được xã hội trọng thị nên chả ai yêu thích nghề này”.

Anh Phát đang có mức lương 4–5  triệu đ/tháng nhưng nếu có công việc khác dù thu nhập thấp hơn nhưng ổn định và được đóng bảo hiểm lâu dài anh sẽ chuyển nghề ngay.

Đây cũng là nguyên nhân cả thợ chính lẫn thợ phụ đều không tha thiết với nghề. Kết quả là hiện nhiều thợ phụ chỉ muốn làm phụ vữa, không có nhu cầu học nghề để chuyển lên làm thợ chính, dù lương thợ chính cao hơn từ 20.000 đ/ngày công.