Ảnh minh họa. Tỷ lệ phụ nữ Việt Nam là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 chiếm 27,2%, cao hơn mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu. |
Có thể khẳng định, công cuộc thực hiện bình đẳng giới tại Việt Nam những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, từng bước xóa bỏ khoảng cách bất bình đẳng về giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Tỷ lệ phụ nữ là đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2021 là 27,2%, cao hơn mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu, đứng thứ 97/144 quốc gia về tỷ lệ nữ tham chính. Có 85% số phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế, trên 55% phụ nữ được đào tạo nghề...
Phụ nữ Việt Nam ngày càng chủ động, tích cực tham gia khởi nghiệp và hội nhập quốc tế. Theo số liệu năm 2017 tỉ lệ phụ nữ làm chủ DN ở Việt Nam đạt 27,8% cao nhất khu vực Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng. Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất trên toàn thế giới về thực hiện trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao trình độ học vấn của trẻ em gái cũng như tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động.
Từ những kết quả trên có thể thấy các mục tiêu thực hiện bình đẳng giới đã được quan tâm trong những năm qua, đặc biệt là với đối tượng phụ nữ là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của hệ thống chính trị các cấp. Gần đây nhất, ngày 31/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020.
Tuy nhiên, cần thấy rằng, khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Tình trạng bất bình đẳng giới và bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực, vùng miền và các thành phần trong xã hội. Theo kết quả khảo sát của Tổ chức lao động thế giới ILO tại Việt Nam, cũng như ở các nước đang phát triển, hiện tại phụ nữ ở nước ta vẫn là lực lượng chính cấu thành nhóm lao động nghèo, có thu nhập thấp, dễ trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu việc làm hoặc thất nghiệp, điều kiện việc làm bấp bênh hơn nam giới. Còn nhiều phụ nữ làm việc trong các ngành nghề có thu nhập thấp hoặc những công việc dễ bị tổn thương. Phụ nữ cũng chiếm phần lớn trong nhóm làm công việc của gia đình không được trả lương và trong khu vực của nền kinh tế phi chính thức với những công việc như giúp việc gia đình, lao động tại gia, bán hàng rong, làm việc trong ngành công nghiệp giải trí. Đây cũng chính là mảnh đất để các hành vi, biểu hiện về bất bình đẳng giới dễ nảy sinh với những tác động tiêu cực.
Như trên đã nói, việc thực hiện bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nữ là rất quan trọng và tạo động lực để thúc đẩy, thực hiện bình đẳng giới nói chung. Và trong thực tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Sự ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu nói trên cũng đồng thời là sự nhắc nhở với các cấp ủy Đảng, chính quyền nói chung, đặc biệt là chị em nữ cán bộ công chức, viên chức, những người được thụ hưởng kết quả của các biện pháp thực hiện bình đẳng giới, cần phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc đề ra, thực hiện những giải pháp về bình đẳng giới với bộ phận chị em phụ nữ còn lại. Một trong những giải pháp đó là thúc đẩy việc tạo ra việc làm bền vững và thu nhập tốt hơn cho phụ nữ trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm.
Với quan điểm thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu cũng là động lực của sự phát triển, chị em phụ nữ, đặc biệt là nữ cán bộ, công chức, viên chức… hãy nhận thức rõ hơn trách nhiệm, vai trò của mình trong sự nghiệp thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.