Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mũi tên trúng nhiều đích

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lắp đặt camera giám sát giao thông trên các tuyến đường là một nội dung quan trọng trong Nghị quyết 12/2019 về tăng cường đảm bảo trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021 của Chính phủ. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công an nhiệm vụ lập đề án đầu tư lắp đặt camera, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước.

 Ảnh minh họa
Thoạt nghe qua nhiều người dễ lầm tưởng đây là “chuyện cũ kể lại” bởi việc lắp đặt camera giám sát giao thông đã được triển khai từ rất lâu chứ không phải bây giờ mới có. Việc triển khai phạt nguội qua camera giám sát giao thông cũng đã được nhiều tỉnh, thành thực hiện được một thời gian. Vậy, việc giao đích danh Bộ Công an chủ trì, lập đề án lắp đặt camera giám sát giao thông một lần nữa liệu có phải thừa thãi? Câu trả lời là không!

Hiện nay, hầu như tỉnh, thành nào cũng có camera giám sát giao thông trên các đường phố. Tuy nhiên, có nhiều, có từ lâu không đồng nghĩa với có hiệu quả. Nếu để ý kỹ, trong khoảng mươi năm trở lại đây có hàng tá những dự án camera giám sát, xử phạt vi phạm giao thông được triển khai ở nhiều đơn vị, cơ quan khác nhau. Thậm chí, chính sự bùng phát của những dự án này khiến nhiều địa phương rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở bởi sự chồng chéo. Trông qua thì tưởng nhiều là hiệu quả nhưng kỳ thực sau gần thập kỷ phát triển, mạng lưới camera giám sát giao thông ở nước ta vẫn đang trong cái vòng luẩn quẩn của sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối và từ đó hiệu quả không cao. Chính vì thế, đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông trên địa bàn cả nước mà Bộ Công an đang triển khai được kỳ vọng sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Trong đó, hai đích lớn nhất sẽ đạt được là tăng cường hiệu quả trong xử phạt vi phạm giao thông, đồng thời giúp tăng cường tính răn đe, nâng cao ý thức tự giác chấp hành luật của người tham gia giao thông.

Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đã đưa nội dung này vào Nghị quyết 12/2019 nhằm tăng cường bảo đảm trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 – 2021. Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho biết, trước mắt sẽ cho lắp đặt camera trên các tuyến đường cao tốc và QL1 với tổng mức đầu tư cho dự án bước đầu khoảng 600 tỷ đồng. Điều đó có thể thấy, đây là dự án dự báo sẽ tốn kém không ít tiền của trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn còn tương đối eo hẹp như hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai dự án rất cần thiết vì đây là đòi hỏi cấp bách trong quá trình cải cách hành chính, đơn giản hóa các hoạt động hành chính Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra.

Thời gian qua, chúng ta đã nói rất nhiều đến tính công khai, minh bạch trong việc quản lý và giám sát công tác thu phí đường bộ, giảm tiêu cực trong xử phạt vi phạm giao thông. Và để đạt được điều này, đòi hỏi phải có một dự án tổng thể hệ thống camera giám sát giao thông quy mô và tầm cỡ quốc gia. Muốn áp dụng công nghệ giảm được tiêu cực, các phần mềm giám sát xử lý vi phạm cần được kiểm định về tính bảo mật thông tin, tránh sự can thiệp của con người vào quá trình tự động hóa, lập biên bản. Việc lắp camera giám sát sẽ đánh trực tiếp vào ý thức tự giác của người điều khiển phương tiện, tính răn đe cao, dù trên đường có CSGT hay không. Ngoài xử lý vi phạm giao thông, hệ thống còn phục vụ đảm bảo an ninh trật trự và an toàn xã hội. Đây là cái lợi rất lớn về lâu dài nếu như đặt nó trong mối tương quan với nguồn vốn đầu tư ban đầu cần có. Như vậy, dù có tốn kém thì đây cũng là nguồn đầu tư xứng đáng đến từng xu.