Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mumbai - thảm họa hay kỳ tích?

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mumbai là một trong những đô thị lớn nhất ở Ấn Độ. Đô thị này phải đối phó với nhiều vấn đề khó khăn về giao thông đô thị như mọi đô thị lớn ở nước này. Nhưng chuyện về giao thông và vận tải bằng tàu hoả ở đây có lẽ đặc thù hơn cả cho toàn bộ đất nước Ấn Độ.

Nhìn vào hình ảnh các đoàn tàu ở Mumbai, người ngoài không biết nên coi đó là điều kỳ diệu hay thảm hoạ. Điều kỳ diệu vì tàu hoả là phương tiện giao thông công cộng hàng ngày phổ biến nhất và vận chuyển được đông hành khách nhất ở TP này. Ở Mumbai, hàng ngày có 8 triệu lượt người sử dụng tàu hoả để đi làm và về nhà. Trên khắp đất nước Ấn Độ, hàng năm, trung bình có 8 tỷ lượt người sử dụng tàu hỏa. Mạng lưới hệ thống đường sắt ở nước này được xây dựng từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, hiện có chiều dài tổng cộng gần 69.000km. Chỉ riêng trong 15 năm qua, Ấn Độ đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào giao thông đường sắt cho Mumbai. Vậy mà vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Ở đây, đường sắt vẫn bị quá tải như ở mọi nơi trên đất nước này. Nó vận chuyển hàng ngày được nhiều hành khách thế nhưng vẫn có rất nhiều người không thể lên tàu được vì tàu đã quá đông và cũng không ít hành khách ở trên tàu không xuống ga kịp vì trong đó quá chật, không thể len lách nổi ra cửa toa tàu để xuống. Nhưng vấn đề tai nạn thì rất đáng nói, bởi trung bình hàng năm, có khoảng 3.000 người thiệt mạng vì tai nạn xe lửa và số người bị thương nhiều gấp vài lần con số ấy. Do vậy, coi tàu lửa ở Mumbai là thảm hoạ cũng không phải không có lý do.

Thách thức này đối với Mumbai không phải mới nhưng TP vẫn chưa thể vượt qua được. Dân quá đông, vốn đầu tư quá lớn nên trong cái khó chưa thấy ló cái khôn cho Mumbai. Cho nên nghĩ tiêu cực thì thấy thảm họa còn nghĩ tích cực thì lại coi đấy là kỳ tích.