Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Muốn có quả ngọt, phải biết vun trồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã khép lại một kỳ Á vận hội mà không hoàn thành được...

Kinhtedothi - Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đã khép lại một kỳ Á vận hội mà không hoàn thành được chỉ tiêu về HCV (dù vô cùng khiêm tốn). Thế nhưng, bên cạnh yếu tố thành tích thì ASIAD lần này đã mang đến cho các nhà quản lý thể thao quá nhiều bài học kinh nghiệm xương máu để nâng tầm phát triển.

"Mỏ vàng" thất thu

Các môn võ vẫn là "mỏ vàng" của TTVN khi đem lại tấm HCV ở môn Wushu. Thế nhưng, "mỏ vàng" ấy đã không đủ giúp hoàn thành chỉ tiêu, bởi dù rất cố gắng khai thác nhưng nó chỉ mang đến cho chúng ta HCB và HCĐ. Đáng nói, TTVN đã làm tất cả những gì có thể để những môn thể thao thế mạnh như: Karatedo, Taekwondo hay Judo giành HCV tại ASIAD 17. Từ rất sớm, các VĐV của những môn này đã được xếp vào diện nhóm tài năng để nhận được chế độ đầu tư trọng điểm và thường xuyên được tập huấn tại nước ngoài rầm rộ và tốn kém nhất.

 
Đội tuyển bắn súng chụp cùng cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc. Ảnh: Hữu Quý
Đội tuyển bắn súng chụp cùng cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc. Ảnh: Hữu Quý
Để chắc chắn giành HCV, ngành thể thao đã mời những chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản - quê hương của  Taekwondo, Karatedo hay Judo. Theo phân tích của của các nhà chuyên môn, cần phải tìm các HLV bản địa để cập nhật những miếng đánh mới cho các VĐV thì mới mong có được HCV. Bên cạnh đó, một điều mà người ta tránh nhắc đến là khi có các HLV cùng quê với trọng tài điều khiển các môn này, chúng ta mới tránh bị ép khi thi đấu.

Làm đủ cách để giành vàng, nhưng cuối cùng, TTVN vẫn không thể hoàn thành mục tiêu. Thậm chí, những ông thầy ngoại quốc cũng không phải là tấm bùa hộ mệnh. Khoảng cách về trình độ giữa các VĐV Việt Nam với các VĐV Hàn Quốc, Nhật Bản, hay các nước Tây Á và Trung Á là quá lớn. Vậy mới nói, TTVN không thể dựa vào những yếu tố ngoài chuyên môn để phục vụ mục tiêu chuyên môn. Muốn có vinh quang, các VĐV của Việt Nam phải thật sự mạnh để áp đảo đối thủ. 

Tìm hướng đi mới

Thất bại về chỉ tiêu vàng tại ASIAD 17 đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách của ngành thể thao phải tìm ra hướng đi mới. Họ phải nghiên cứu một cách tổng thể để đưa ra những lựa chọn phù hợp trong việc xây dựng những nội dung thế mạnh cho đoàn TTVN ở những đấu trường quốc tế. Hay nói cách khác, đầu tư các nội dung thi đấu phải tính đến tố chất con người Việt Nam. Ví dụ như, các môn võ  phải lựa chọn hạng cân, nội dung thi đấu phù hợp với thể hình, thể lực của các VĐV. Không thể đầu tư một cách dàn trải cho những hạng cân lớn, nơi các nền thể thao mạnh vốn coi là sở trường để hướng vào những nội dung mà họ không có thế mạnh. Về điểm này, ngành TTVN đã có bài học thành công khi dồn sức cho lực sĩ Thạch Kim Tuấn ở hạng cân 56kg của môn cử tạ.

Bên cạnh đó, TTVN cũng phải dồn thời gian, trí tuệ và tiền bạc cho lứa những VĐV mới, những người có thể tiệm cận với thành tích châu lục và thế giới. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này là vì, trong khi chúng ta có được vinh quang từ các nhân tố mới như Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo (điền kinh), Lừu Thị Duyên (boxing), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ)… thì nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương, xạ thủ kỳ cựu Hoàng Xuân Vinh lại gây thất vọng lớn.

Tất nhiên, khi đặt niềm tin vào lớp VĐV trẻ hơn thì TTVN cũng phải chấp nhận rủi ro về thành tích, đặc biệt là ở SEA Games năm tới. Thế nhưng, nhiều nhà chuyên môn cho rằng, chiến lược tạo nguồn cho tương lai là cần thiết, bởi đã đến lúc, TTVN cần vượt ra khỏi tư duy chạy theo thành tích.