Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mượn đất, thuê nhà rồi... chiếm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mượn đất, thuê nhà rồi… chiếm là tình trạng đã và đang diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Dù nhiều sự việc khá rõ ràng, tuy nhiên, do sự chậm trễ, thiếu quyết liệt hoặc không thuộc thẩm quyền nên chính quyền sở tại đang rất lúng túng và khó giải quyết..

Thuê nhà rồi... không trả

Đó là trường hợp của vợ chồng ông Lê Chính Đạo và bà Lê Tuyết Hải (ngõ 283 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng). Theo hợp đồng công chứng được ký kết cuối tháng 10/2010, gia đình ông Đạo cho ông Nguyễn Văn Thịnh thuê căn nhà tại địa chỉ trên có thời hạn đến tháng 3/2011 để kinh doanh. Tuy nhiên, khi hợp đồng hết hạn, ông Thịnh nhất quyết không chịu trả tiền thuê nhà cũng như không trả lại nhà. Mới đây, một trường hợp khác là ông Vũ Đình Dương (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cũng trở thành một nạn nhân của tình trạng thuê rồi... chiếm nhà. Ông Dương cho biết, tháng 9/2012, ông đã nhận chuyển nhượng căn nhà có địa chỉ số 161 đường Khương Trung từ bà Đào Thị Tuyết (thường trú tại địa chỉ trên) với giá 5 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, "sổ đỏ" căn nhà đang được thế chấp ngân hàng và đã quá hạn. Hai bên có thỏa thuận, bà Tuyết có quyền mua lại căn nhà sau 15 ngày vẫn với giá 5 tỷ đồng nếu bà Tuyết thu xếp được tiền. Ngoài ra, ông Dương cho bà Tuyết thuê căn nhà trên từ ngày 5 - 20/9/2012.
Khu đất của bà Trần Thị Loan tại xã Vân Canh, Hoài Đức đang bị chiếm dụng.
Khu đất của bà Trần Thị Loan tại xã Vân Canh, Hoài Đức đang bị chiếm dụng.
Tuy nhiên, hết thời hạn đó, để được công chứng sang tên "sổ đỏ" (ngày 21/9/2012), ông Dương đã phải trả thêm cho bà Tuyết 1 tỷ đồng và gia hạn thêm 1 tháng thuê nhà. Hết hợp đồng thuê nhà, thay vì trả lại nhà cho ông Dương như đã thỏa thuận, bà Tuyết lại để mẹ mình là bà Đỗ Thị Thư "cố thủ" không chịu bàn giao. Bức xúc trước cách hành xử của mẹ con bà Tuyết, ông Dương đã gửi đơn lên UBND phường và Công an phường Khương Trung, nhưng đã hơn một năm sự việc trên vẫn chưa được giải quyết.

Mượn đất rồi... chiếm

Theo phản ánh của bà Trần Thị Loan (SN 1956, ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức): Năm 1993 gia đình bà được cấp ruộng canh tác theo quy định của Nhà nước (theo Nghị định 64/1993 NĐ - CP) Hợp tác xã (HTX) đã chuyển thửa ruộng kho Bông (117m2) từ sổ cũ (đội 6) sang sổ của gia đình bà Loan (đội 10). Năm 1998, HTX nông nghiệp có kiểm tra lại ruộng đất để cấp sổ đỏ, tuy nhiên vì thửa ruộng kho Bông nằm kẹt trong vùng dân cư khó canh tác nên không thuộc diện cấp sổ đỏ ruộng của gia đình. Cuối năm 1999, do có quan hệ huyết thống, gia đình ông Bùi Ngọc Giao có mượn thửa ruộng này để trồng rau. Năm 2003, bà Loan đòi lại thửa ruộng nhưng ông Giao không trả. Sau đó, đến năm 2006 thì ông Giao cho xây tường bao và trồng cây ăn quả, cây lâu năm trên mảnh ruộng này. Theo bà Loan, từ năm 2006 đến nay, bà đã nhiều lần có đơn kiến nghị lên UBND xã Vân Canh nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

 Địa phương “khó” xử lý

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung cho biết, sau khi nhận được đơn của ông Dương tố cáo bà Thư chiếm nhà trái phép, UBND phường đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Hơn nữa, bà Thư có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ trên nên UBND phường không đủ thẩm quyền yêu cầu bà Thư ra khỏi nhà nên phường đã hướng dẫn ông Dương đưa vấn đề này ra tòa án.

Trường hợp của bà Trần Thị Loan, ông Trần Xuân Vượng - Chủ tịch UBND xã Vân Canh  cho biết, năm 2006 gia đình bà Loan có đơn kiến nghị, xã đã tiếp nhận và cùng phối hợp với các bên có liên quan để giải quyết. Chính quyền xã đã tổ chức 3 - 4 lần hòa giải nhưng hai bên không thống nhất quan điểm nên hòa giải không thành. Đến thời điểm này, qua kiểm tra thì diện tích ruộng 117m2 tại kho Bông chưa có sổ đỏ và cũng không thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của gia đình ông Giao và bà Loan. Do vậy, phía xã không đủ thẩm quyền để giải quyết tiếp.

Thuê nhà, mượn đất rồi chiếm giữ chính là nguyên nhân phát sinh đơn thư, khiếu kiện làm mất ổn định an ninh trật tự kéo dài ở nhiều địa phương. Cái khó là chính quyền cơ sở không đủ thẩm quyền giải quyết. Còn nếu chỉ với biện pháp hòa giải thì những trường hợp tranh chấp này rất ít đạt kết quả. Làm cách nào để giảm bớt tình trạng này đang là bài toán chưa có lời giải của không ít cán bộ cơ sở!